Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Phá băng" thị trường BĐS: Cần trực tiếp hỗ trợ người mua

Đặng Loan| 10/11/2012 08:09

(HNM) - Cung lệch cầu và giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân được xem là nút thắt lớn nhất gây ra tình trạng đóng băng bất động sản (BĐS). Thế nhưng, khi các doanh nghiệp BĐS đã điều chỉnh giá mà theo họ là đã đến


Giá BĐS liên tục được hạ đã có tác động tích cực đến thị trường khi từ giữa năm đến nay phân khúc nhà giá trung bình và thấp đã có giao dịch. Tuy nhiên, việc giảm giá cũng có mặt trái là làm cho người mua tiếp tục chờ đợi giá xuống tiếp nên thị trường vẫn còn ảm đạm. Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, hiện nhiều doanh nghiệp đang điều chỉnh lợi nhuận về 0 nhưng vẫn không bán được, đơn cử như dự án Lê Thành Twin Towers 9 (quận Bình Tân) giá vốn 13 triệu đồng/m2, hiện đã hạ chỉ còn 11,9 triệu đồng/m2 nhưng vẫn chưa bán hết. Còn theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, thời hoàng kim của thị trường BĐS đã qua nên không thể kỳ vọng một mức lãi tốt, chính vì vậy mà công ty này luôn có những đợt giảm giá "sốc" tác động rất lớn đến thị trường. Vào đầu tháng 10 vừa qua, dự án Thanh Bình trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) của Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh (công ty con của Hoàng Anh Gia Lai) đã mở bán với giá 20 triệu đồng/m2, thấp hơn 30 - 50% so với các dự án lân cận.


Thị trường căn hộ chung cư ế ẩm trong khi người dân không có tiền mua nhà để ở.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, doanh nghiệp BĐS muốn được "giải cứu" trong giai đoạn hiện nay là phải chấp nhận thiệt hại, giảm giá để bán được hàng, nếu thị trường không chấp nhận thì đó chưa phải là mức giá thực và phải giảm tiếp. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoReA) cũng than rằng, thị trường bây giờ không còn đầu cơ, chỉ còn nhà đầu tư BĐS và người mua có nhu cầu thực để ở, nhưng người mua vẫn chờ giảm thêm vì không tin rằng các doanh nghiệp đã giảm tới giá vốn.

Cần hỗ trợ trực tiếp cho người mua

Thời gian qua ngân hàng đã nới tín dụng cho các doanh nghiệp BĐS nhằm giải quyết khó khăn về vốn, khơi thông thị trường BĐS, thế nhưng giải pháp này không mang lại hiệu quả vì doanh nghiệp "tồn kho" nhiều nên không dám vay nữa. Theo các chuyên gia, cần phải khơi thông nguồn cầu thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà. Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Công ty Nghiên cứu Savills cho rằng, hiện giá BĐS vẫn còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Chính vì vậy, để có thể sở hữu được nhà thì người mua cần được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng đang còn cao và không ổn định nên người mua vẫn dè dặt vì lo sự biến động của lãi suất sau khi hết thời gian được hỗ trợ.

Trên thực tế, thời gian qua nhiều doanh nghiệp BĐS đã liên kết với các ngân hàng hỗ trợ người mua bằng lãi suất rất hấp dẫn (dưới 10%) để thu hút người mua nhà đến với dự án của mình. Tuy nhiên, trong khi thời gian trả nợ mua nhà kéo dài nhiều năm nhưng thời gian hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi chỉ được khoảng 1 năm, thậm chí chỉ có 6 tháng, nên người mua vẫn lo lắng cho kế hoạch chi trả của mình. Vì vậy mà sự hỗ trợ được "bảo đảm" bằng một chính sách sẽ khiến người mua yên tâm hơn. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP, nhà nước cần dành gói tín dụng cho người mua nhà vay với lãi suất cố định khoảng 8%/năm. Nguồn vốn này chỉ cần giải quyết được khoảng 10.000 căn hộ tồn kho hiện tại cũng sẽ tạo động lực cho thị trường.

Để người thu nhập thấp có thể mua được nhà và giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp BĐS, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương mua lại các dự án thương mại làm nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà tái định cư. Tại buổi ký kết chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với Bộ Xây dựng vào tháng 10 vừa qua lãnh đạo TP cũng cho biết sẽ rà soát, bố trí, chuyển đổi mục đích các dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ để phát triển thành NƠXH. Trong chương trình này, mục tiêu giai đoạn năm 2012-2015 sẽ xây dựng xong tối thiểu 2,7 triệu m2 sàn NƠXH để bán và cho thuê.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề không phải là xây dựng được bao nhiêu mét vuông NƠXH, mà là xây xong rồi người dân có sở hữu được không hay lại rơi vào tình trạng một số dự án nhà thu nhập thấp hiện nay là xây xong rồi không bán được vì người thu nhập thấp vẫn không đủ tiền để mua. Vậy nên, cho dù là hình thức nào thì nhà nước cũng cần tập trung hỗ trợ tín dụng trực tiếp cho người có thu nhập thấp theo kỳ hạn mua nhà, nhằm khơi thông nguồn cầu, "phá băng" thị trường BĐS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Phá băng" thị trường BĐS: Cần trực tiếp hỗ trợ người mua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.