Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phá băng cướp biển táo tợn ở Quảng Ninh

Theo Linh Chi - Trần Cương| 11/08/2011 11:27

Sau khi dùng súng uy hiếp chủ tàu, băng cướp táo tợn cướp toàn bộ hàng hóa cùng con tàu trị giá hơn 1 tỷ đồng, trói chủ tàu cùng thủy thủ đoàn đưa đến một hoang đảo…


Chiều 30 tết năm 2001, đang chuẩn bị đi sắm sửa đồ để thắp hương thì điện thoại đường dây nóng tại trực ban PC16, Công an tỉnh Quảng Ninh đổ chuông.
Thông tin báo về từ Công an huyện đảo Vân Đồn chỉ vẻn vẹn vài chi tiết: chủ tàu tên Nam cùng 5 ngư dân quê xã Hải Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An trên con tàu không số đang hành trình từ vịnh Bắc Bộ về Nghệ An thì có khoảng gần chục đối tượng đi trên hai tàu cao tốc áp sát mạn tàu nổ súng uy hiếp yêu cầu tàu dừng lại.

Tiếp sau đó hai chiếc tàu gỗ lạ cũng cập mạn tàu, toàn bộ đối tượng đổ bộ lên tàu cướp hết tài sản cùng con tàu trị giá hơn 1 tỷ đồng rồi tẩu thoát.

6 ngư dân bị chúng trói, ép xuống tàu cao tốc rồi chở đến một đảo hoang thuộc huyện Vân Đồn và thả ở đấy. May mắn, sau hai ngày đói khát, 6 người trên được những ngư dân đi biển đưa vào bờ trình báo công an.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, dù giờ phút giao thừa đang đến gần nhưng các chiến sĩ Đội điều tra trọng án PC16 - Công an tỉnh Quảng Ninh vẫn vào cuộc điều tra, truy bắt nhóm cướp.

Trong những năm này, các vụ cướp biển táo tợn xảy ra liên tục trên vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng. Một số tên tuổi như Huy “cu đen”, Thảo “đàm”, Phong “mèo”…gây ra hàng chục vụ cướp bóc tài sản và các phương tiện hành nghề của các ngư dân trên biển đã lần lượt tra tay vào còng số 8.

Những nhận định ban đầu đưa ra: đây là băng cướp chuyên nghiệp có súng, có xuồng cao tốc và đặc biệt diễn biến vụ cướp cho thấy có sự chỉ đạo và quy mô khá chuyên nghiệp.

Chủ con tàu không số ngay lập tức được triệu hồi để làm rõ vụ việc. Qua đấu tranh khai thác lúc đó chủ tàu mới thú nhận, tàu chuyên buôn hàng lậu từ Trung Quốc về Nghệ An với rất nhiều loại hàng hóa như, máy móc, vải vóc, đồ điện tử…tổng giá trị hàng hóa và cả giá trị con tàu lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Ông Trần Vi Dân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an), người trực tiếp chỉ huy phá vụ án cướp biển trên con tàu không số


Đối tượng cướp là ai vẫn còn là ẩn số. Chuyên án ngay lập tức được thành lập, các mũi trinh sát được tập hợp và đi làm nhiệm vụ ngay trong đêm giao thừa.

Một mũi trinh sát ngược Móng Cái ra đồn biên phòng số 6 ngoài khơi vịnh Bắc Bộ - vùng biển được cho là nơi toán cướp chọn để chặn cướp các tàu buôn hàng lậu từ Trung Quốc trở về. Một mũi trinh sát khác cũng được cử đi ngay trong đêm cùng với chủ tàu về Hải Phòng tìm con tàu bị đánh cắp, với nhận định Hải Phòng là nơi “xả” hàng lậu nên rất có thể con tàu sẽ neo đậu lại đây.

Sau ba ngày tích cực huy động lực lượng và dàn quân từ Quảng Ninh đến Hải Phòng, nhóm trinh sát phát hiện con tàu nghi vấn bị cướp đang neo đậu gần Đồn biên phòng 38 trên vùng biển Hải Phòng.

Cất lưới

Đêm mùng 5 tết, trời rét như cắt da, cắt thịt, ngoài phía khơi xa trên con tàu ánh đèn le lói trong màn sương dày đặc, rất khó phán đoán được có mấy người trên đó.

Được sự giúp sức của các chiến sĩ Đồn biên phòng 38, Đội H88 - Trinh sát hình sự Công an TP Hải Phòng, các phương án bao vây đánh úp tóm gọn nhóm cướp được đặt ra, trong đó việc một nhóm trinh sát phải uống nước mắm tránh rét, bơi ra trước do thám tình hình cũng được tính đến.

Cuộc vây bắt đối tượng thành công, tuy nhiên, trên tàu lúc đó chỉ có một người tên Quỳnh làm nhiệm vụ trông nom con tàu.

Sau khi bị di lý về Công an Hải Phòng, Quỳnh khai được anh trai là Đào Xuân Sơn nhờ trông hộ. Từ lời khai của Quỳnh, nhóm trinh sát phát hiện băng cướp gồm: Nguyễn Văn Hiện (Hiện “đen”), Bùi Văn Dinh (tức Dinh “lợn”), Nguyễn Xuân Đạt (tức Đạt “ma”), Nguyễn Văn Dân và Đào Xuân Sơn (tức Sơn “tễ”) là “đại ca” nhóm cướp này.

Sơn bị các chiến sĩ công an “tóm” tại nhà lúc tờ mờ sáng mùng 6 Tết, khi hắn đang cùng một số đối tượng sát phạt nhau trên chiếu bạc.

Còn Hiện “đen” và Dinh “lợn” kịp thoát lên Hà Nội để trốn vào miền Nam. Đúng mùng 7 tết, Dinh “lợn” và Hiện “đen” bị lực lượng công an Hà Nội và Quảng Ninh bắt ngay trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) khi hắn đang ‘tay trong tay” với một cô gái.

Qua đấu tranh khai thác cho thấy, băng cướp do Đào Xuân Sơn cầm đầu đã gây ra hàng chục vụ cướp trên vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.

Phương thức hoạt động của nhóm tội phạm này rất chuyên nghiệp và tinh vi. Những đối tượng mà nhóm cướp này nhắm vào không phải là ngư dân khai thác hải sản trên biển mà là những tàu chuyên chở hàng lậu từ Móng Cái về.

Trước mỗi trận cướp bóc, hai đối tượng là Dinh “lợn” và Hiện “đen” được ‘điều” sang Trung Quốc chỉ làm mỗi nhiệm vụ là ăn chơi và lang thang các bến bãi có tàu buôn lậu của Việt Nam neo đậu.

Khi những con tàu này bốc hàng xong rời cảng lập tức thông tin được báo về cho Sơn “tễ” ở nhà chuẩn bị lực lượng, vũ khí để đánh, cướp ngay trên biển.

Bấm thời gian tàu buôn lậu về đến khu vực gần đảo hoang thuộc huyện Vân Đồn, nhóm cướp khoảng 8 đối tượng đi trên hai chiếc xuồng cao tốc từ chạy từ Móng Cái ra đảo đá lấy súng giấu ở đó, một chiếc từ Hải Phòng chạy vào rồi áp sát mạn tàu; cùng lúc sẽ có một nhóm khác khoảng 5,6 tên đi tàu gỗ từ đảo hoang ra, chúng uy hiếp rồi trói toàn bộ thuyền viên trên tàu, cướp hàng hóa chuyển sang tàu gỗ chạy về Hải Phòng tiêu thụ.

Trong một thời gian rất ngắn, chúng gây ra hàng chục vụ cướp như vậy, chỉ duy nhất lần cuối cùng cướp cả con tàu, ngư dân trình báo thì bị bắt giữ. Nhóm cướp biển do Đào Xuân Sơn cầm đầu phải chịu mức án từ 10 đến 20 năm tù về tội “cướp tài sản” và “tàng trữ vũ khí quân dụng”, còn chủ con tàu không số bị cũng bị Tòa án kết tội “buôn bán, vận chuyển hàng lậu”.

Ông Trần Vi Dân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an, người trực tiếp chỉ huy phá vụ án cướp biển trên con tàu không số nhớ lại: Sau vụ án này, toàn bộ bọn cướp biển bị quét sạch. Cho đến tận bây giờ, đã gần 10 năm trôi qua, tàu thuyền hoạt động ngoài khơi vịnh Bắc Bộ không còn phải lo lắng hay gặp những trận cướp bóc tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phá băng cướp biển táo tợn ở Quảng Ninh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.