(HNMCT) - Năm nay, Trung đoàn 52 Tây Tiến kỉ niệm 65 năm Ngày thành lập (1947-2012) thiếu vắng một trưởng ban liên lạc năng nổ hết lòng vì đồng đội. Đó là PGS.TS Lê Hùng Lâm. Ông cũng là một tượng đài của lòng quả cảm, tinh thần hy sinh và nỗ lực học tập không mệt mỏi của người lính Tây Tiến.
Cậu học sinh lên đường Tây Tiến
Ngay khi còn đang là học sinh trường Louis Pasteur, Lê Hùng Lâm đã sớm có tinh thần cách mạng, thường xuyên tham gia các phong trào học sinh yêu nước, biểu tình ở quảng trường Nhà hát Lớn, cùng hô vang: “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam Độc lập muôn năm”… Sau Cách mạng Tháng Tám, Lê Hùng Lâm được dự các lớp học của Tổng hội sinh viên tổ chức, học nhạc, học vẽ, học võ, tham gia đội tự vệ, học quân sự ở quê (phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ). Không khí cách mạng trong làng lúc nào cũng rộn ràng. Trong hồi ký của mình, Lê Hùng Lâm còn nhắc mãi củ khoai nóng hổi do mẹ thưởng vì có công dạy mẹ viết chữ - người mẹ suốt đời đầu tắt mặt tối lo kiếm sống nuôi đàn con nhỏ và cho con học hành nên người - đã vô cùng sung sướng khi ký được chữ “Huệ ” thay cho việc điểm chỉ nhờ sự chỉ bảo của cậu con trai.
Tháng 8 năm 1946, Lâm giấu bố đi dự tuyển quân: vì tuổi mới 16, Lâm phải khai là 18 cho đủ, cân nặng còn thiếu 3kg, phải thủ thêm cục sắt trong túi quần. Thấy vẻ thư sinh của cậu, thượng cấp biên chế Lâm làm liên lạc Trung đội 3, đại đội 16, tiểu đoàn 212 Liên khu 2. Một năm sau, năm 1947, dù vừa “lĩnh” đạn địch, vết thương ở đùi còn nhói đau, nhưng khi biết tin đơn vị bí mật chọn người đi Tây Tiến, Lê Hùng Lâm bèn tìm gặp đại đội trưởng xin đi. Giấu vết thương, Lê Hùng Lâm để Hà Nội lại sau lưng, Tây Tiến!
Lê Hùng Lâm thường xuyên kể lại những mẩu chuyện về ngày ấy, những ngày tháng trên mặt trận Tây Tiến, vào sâu đất Lào, Lai Châu, Sơn La… Tây Tiến là chồng chất những gian khổ không thể tả được, tương quan lực lượng ta và địch thì đúng là “một chọi một ngàn”. Có khi hành quân cả tháng trời, chân rớm máu, nhiều lúc phải rón rén, giữ thăng bằng như đi trên dây, leo tới đỉnh núi này tưởng là đến đích thì lại thấy đỉnh núi khác cao hơn phải chiếm lĩnh. Lúc đi lên Tây Tiến oai phong bao nhiêu thì khi về ốm yếu, thương vong, tơi tả, rời rã bấy nhiêu. Có lúc, đói, mỏi không chịu nổi, Lâm bảo với Phạm Đình An, lúc đó là đại đội trưởng tự vệ khu Lò Đúc, cùng đi Tây Tiến: “Anh đi thôi, em nằm lại đây” rồi lả người, quỵ xuống bụi cây. Đúng lúc ấy, anh An kéo Lâm dậy rồi cởi thắt lưng, rút cái dây treo trong ống quần một nắm xôi gói trong là chuối khô, đưa sát miệng Lâm. Không có anh An thì Lâm đã thành ma rừng. Quang Dũng tả sao đúng thế: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/Gục lên súng mũ bỏ quên đời”…
Dặm đường chiến dịch cùng với sách
Lê Hùng Lâm đặc biệt thích đọc sách, cứ đi chiến đấu về là lại đọc sách, cuốn sách luôn mang trong balô là sách toán tiếng Pháp. Có bao nhiêu sách của tuyên huấn, tiểu đoàn bỏ đi cho nhẹ, cậu nhặt và đọc hết.
Một lần, Lê Hùng Lâm bị ốm phải nằm ở Quân y viện Cao Phong (Hòa Bình) và gặp được bác sĩ Phạm Ngọc Khuê, thần tượng của giới thanh niên, học sinh hâm mộ khi đó với tác phẩm “Cải tạo sinh lực”. Chính bác sĩ Khuê là người hướng dẫn Lâm tập thể dục, thể thao và truyền cho Lâm tình yêu nghề thầy thuốc cứu người, giới thiệu anh đi thi tuyển vào Quân y vụ Liên khu 3.
Tốt nghiệp Quân Y sĩ, Lê Hùng Lâm được phân công đi chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Lâm ở cùng lán nứa nhỏ trong rừng với hai anh bạn đều là “công tử” nhưng hăng hái tham gia cách mạng: Anh Lê Duy Kỳ - con quan tuần phủ và anh Hoàng Bá Hải con một nhà tư sản lớn ở Hà Nội. Anh Hải có nhiều sách Y học tiếng Pháp do gia đình ở trong thành gửi ra, anh đều cho Lâm mượn cùng đọc và rất cảm mến trí tuệ của Lâm. Chiến dịch nối tiếp chiến dịch, Lê Hùng Lâm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tham gia chiến dịch Điện Biên, Lê Hùng Lâm được khen thưởng “Chiến sĩ Thi đua chiến dịch Điện Biên”.
Mấy năm sau, Lê Hùng Lâm thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội. Vừa học, Lê Hùng Lâm vừa tham gia Đảng ủy, phụ trách công tác sinh viên, tối lại đi dạy bổ túc văn hóa, chuyên dạy môn hóa học cho học sinh lớp 9. Sáu năm trôi nhanh, năm 1962 Lê Hùng Lâm tốt nghiệp thủ khoa trường Y. Kỷ niệm vui nhất của bác sĩ trẻ khi đó lại là với mẹ. Mỗi bác sĩ tân khoa được mời một người thân đến dự lễ và Lê Hùng Lâm mời mẹ đến. “Buổi lễ hôm ấy giữa những người ăn mặc sang trọng, có một người nhà quê là mẹ. Trước đây mẹ chỉ bước lên cổng chùa đã thấy uy nghiêm, nay bước lên hàng chục bậc thênh thang của trường đại học, vào giảng đường chợt thấy mọi thứ bóng nhoáng, mẹ vội cởi dép cặp vào nách, sợ làm bẩn cái sàn. Khi nghe thấy cụ Hồ Đắc Di xướng danh người đỗ bác sĩ đến tên Lê Hùng Lâm, mẹ bảo: “Thế là được rồi, để mẹ về!”. Về làng gặp ai, mẹ cũng khoe: “Thằng Lâm đỗ đốc tờ rồi. Gớm, sao mà cái trường nó cao thế, trong nhà chỗ nào cũng thấy những gương là gương, cả đời tôi mới thấy một lần!” (trích nhật ký Lê Hùng Lâm)...
Ra trường, bác sỹ Lê Hùng Lâm được giữ lại trường vì vừa đỗ đầu vừa là Đảng ủy viên. Sau đó Bộ Y tế có gợi ý: Tỉnh Hà Giang đang thiếu trưởng Ty y tế, Bộ có ý định đưa Lâm lên để đào tạo cán bộ lãnh đạo. Cũng phải “lăn tăn” vì Lâm đang làm Chủ tịch Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, đầy triển vọng. Cuối cùng, anh quyết đi lên Hà Giang, làm Trưởng Ty khi mới 32 tuổi, trẻ nhất từ trước đến nay, vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp mổ, lại tham gia công tác tuyên huấn, viết báo… Anh còn mở một trường cấp 3 do mình làm hiệu trưởng. Nhờ có trường này, nhiều y sĩ đã có bằng tốt nghiệp phổ thông để thi vào đại học trở thành bác sĩ. Cán bộ nhiều ngành khác trong tỉnh cũng xin vào học.
Chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học
Sau này, Lê Hùng Lâm trở lại làm giảng viên ở Đại học Y rồi được cử sang CHDC Đức làm thực tập sinh ba năm, sau chuyển sang Hungari 2 năm. Sang đến Budapest, anh gặp giáo sư Simonovits Istvan bày tỏ nguyện vọng muốn làm luận án phó tiến sĩ nhưng thời gian eo hẹp chỉ có hai năm học. Giáo sư tìm hiểu trình độ chuyên môn, năng lực tiếng Anh, Nga, Pháp, Hung, rồi ông bảo: “Được hướng dẫn cho một bác sĩ Việt Nam là niềm hạnh phúc, vì tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam, muốn có chút đóng góp với Việt Nam, vấn đề bây giờ là anh phải nỗ lực”. Được thầy ủng hộ và tạo điều kiện, Lê Hùng Lâm lao vào học, nghiên cứu không kể đêm ngày và lặn lội tới nhiều vùng để nghiên cứu.
Người Hungari cũng như ở nhiều nước khác, không muốn cho ai chụp mỏm cụt của chân tay mình sau khi bị cưa, cắt. Vậy mà khi thấy có bác sĩ Việt Nam muốn nghiên cứu để phục vụ dân Việt Nam đang trong chiến tranh, họ sẵn sàng cho chụp. Hôm bảo vệ luận án, xem những bức ảnh này, Hội đồng khoa học đánh giá: “Nghiên cứu sâu đến thế này thật là tuyệt vời, đây là tài liệu khoa học rất quý, không phải là người Việt Nam thì không có ai có được!”. Luận án được đánh giá tốt, bên cạnh công ơn của các thầy hướng dẫn còn có công đóng góp của người dân Hungary. Lê Hùng Lâm tự nhủ “Không có tổ quốc Việt Nam, sao mình có được đặc ân này”.
Hết hai năm phải về đúng hạn, Lê Hùng Lâm mang luận án về nộp Bộ Y tế và Bộ Đại học. Cả hai bộ đánh giá giỏi và cho anh trở lại Hungari bảo vệ. Kết thúc buổi bảo vệ Hội đồng GS tại Hungari chấp nhận luận án của Lê Hùng Lâm với 100% số phiếu, điều mà nghiên cứu sinh nào cũng mơ ước. Về nước, Lê Hùng Lâm tiếp tục làm Chủ nhiệm khoa Tổ chức Y tế và được giao nhiệm vụ phụ trách Trường cán bộ quản lý Y tế (Nay là trường Đại học Y tế công cộng).
Các nước khác có trường đại học Y tế công cộng phục vụ sức khỏe cộng đồng một cách rộng rãi, tiến bộ. Để hòa nhập, trở thành ngành khoa học hoàn chỉnh, Việt Nam phải có trường Đại học Y tế công cộng. Nhận thấy yêu cầu đó, ròng rã gần 20 năm trời, bác sĩ Lê Hùng Lâm viết sách, thuyết phục cấp trên, giải thích cấp dưới, vận động bộ này, bộ khác, liều mạng kết nối với các trường y tế công cộng trên thế giới, xin viện trợ quốc tế mới thành lập được trường Đại học Y tế công cộng trên cơ sở Trường Cán bộ quản lý y tế.
Ông từng được Mỹ mời sang thuyết trình về đề tài khoa học: “Đề cập đến những vấn đề sức khỏe của một quần thể, tình trạng sức khỏe của nhân dân, những dịch vụ y tế tổng quát và quản lý các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Tháng 10- 1998, Viện Hàn Lâm New York đã phong tặng GS.TS Lê Hùng Lâm danh hiệu thành viên tích cực của Viện.
Noi gương ông, lại được sự nuôi dạy chu đáo của người mẹ - bác sỹ Phạm Thị Toàn, các con của ông bà đều trưởng thành. Con trai cả Lê Hùng Lân hiện là PGS- TS đang dạy tại trường Đại học Giao thông Vận tải. Con gái thứ hai Lê Hồng Liên là bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Con trai thứ ba Lê Hùng Linh cũng là Tiến sĩ Y khoa tại Mỹ.
Phút cuối với Tây Tiến
Bên cạnh bộn bề nghiên cứu khoa học, Lê Hùng Lâm còn là Trưởng ban liên lạc Bộ đội Tây Tiến. Ông cũng là người tích cực khởi xướng xây dựng những đài tưởng niệm các liệt sỹ Tây Tiến ở nhiều địa danh mà Trung đoàn Tây tiến đã lưu danh.
Mùa Xuân năm 2010, biết mình không qua khỏi bạo bệnh, ông dành hết sức lực để tổ chức lần gặp mặt truyền thống Trung đoàn 52 Tây Tiến cuối cùng của đời mình. Thời gian đó ông chỉ tiếp bạn bè Tây Tiến còn thì từ chối vì lý do sức khỏe. Chứng kiến ông nén đau điều hành buổi lễ gặp mặt, lòng tôi không khỏi kính phục nghị lực phi thường của dòng máu Tây Tiến trong ông. Mà ông tự trào “Đây là nhiệm vụ cuối cùng, cao điểm cuối cùng của ông với đồng đội Tây Tiến”. Hoàn thành nhiệm vụ, ông thanh thản đi vào cõi vình hằng trong tình thương vô hạn của người thân và đặc biệt là những chiến hữu thân yêu từ thời Tây Tiến của ông...
Cùng với Ban liên lạc CCB Tây Tiến, Lê Hùng Lâm đã vận động không biết mệt mỏi để có những đài tưởng niệm nơi mà đồng đội Tây Tiến một thời đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì tổ quốc: Đài tưởng niệm ở Châu Trang, xã Thượng Cốc Hòa Bình; Đài tưởng niệm ở Mộc Châu, Sơn La; Tháp Lào tưởng niệm ở Mộc Châu; Tháp đá Tây Tiến ở Mường Lát – Thanh Hóa; Nhà bia tưởng niệm ở Mai Châu; và một con đường mang tên Tây Tiến ở thành phố Hòa Bình ngay bên chân dốc Cun, nơi diễn ra trận chiến đẫm máu bảo vệ Thị xã Hòa Bình năm nào. Ông cùng Ban Liên lạc đang đề xuất xây dựng tượng đài “Chiến lũy Ô Cầu Dền” (mặt trận thứ 2 của Hà Nội những ngày toàn quốc kháng chiến) như một bức phù điêu lớn ở cửa ngõ phía Nam, trên đường Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân. Bao công việc còn dang dở, vậy mà ông đã vội ra đi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.