(HNM) - Nhiều năm qua, thành tích môn pencak silat của Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, pencak silat Hà Nội sẽ phải nỗ lực vượt khó, “liệu cơm gắp mắm” mới có thể duy trì vị thế. Trưởng Bộ môn Pencak silat, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Trần Thu Hương đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này.
- Bà có thể cho biết đôi điều về kế hoạch của pencak silat Hà Nội năm 2022?
- Chúng tôi đặt mục tiêu thi đấu thành công tại Giải vô địch các câu lạc bộ mạnh toàn quốc (tháng 3), Giải vô địch trẻ quốc gia (tháng 7), Đại hội Thể thao toàn quốc (tháng 11). Cùng với đó là nhiệm vụ thi đấu thành công tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) vào tháng 5 tới.
Đối với các giải trong nước, pencak silat Hà Nội phấn đấu duy trì vị trí Nhất toàn đoàn. Song, sẽ có rất nhiều thách thức, nhất là với nhiệm vụ tại Đại hội Thể thao toàn quốc, khi mà các địa phương đều có sự đầu tư rất lớn về lực lượng, chương trình tập huấn và thi đấu, quyết tâm “soán ngôi đầu” của Hà Nội. Còn với SEA Games 31, pencak silat Hà Nội hiện có 9 vận động viên được vào đội tuyển quốc gia. Trong tổng số 16 bộ huy chương của môn này tại SEA Games 31, Việt Nam phấn đấu giành từ 5 đến 6 Huy chương vàng, thì Hà Nội cố gắng góp từ 1 đến 2 Huy chương vàng.
- Với bề dày về truyền thống và lực lượng, Hà Nội liệu có hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra trong năm 2022?
- Chúng tôi quyết tâm giành kết quả cao nhất ở các giải quốc gia và khu vực. Song, quyết tâm là một chuyện, thực tế, pencak silat Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Thứ nhất, nhiều vận động viên đang bị dương tính với Covid-19 sau một thời gian học văn hóa trực tiếp trở lại, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm sức khỏe để hoàn thành kế hoạch huấn luyện. Thứ hai, bộ môn đang rất thiếu trang thiết bị luyện tập, khó khăn vô cùng đối với môn võ, đòi hỏi phải tập “đấm, đá, đạp” hằng ngày với những cú “ra đòn” thực sự có lực, góp phần tăng cường thể lực, sức nhanh, sức mạnh như pencak silat. Thứ ba, muốn có những vận động viên giỏi, họ phải được thi đấu cọ xát thường xuyên nhằm rèn chiến thuật, kỹ năng, kỹ xảo, đúc rút kinh nghiệm qua thực tế, nhưng tiếc là pencak silat Hà Nội thời gian qua bị lỡ một số cơ hội thi đấu quan trọng. Chúng tôi rất cần được lấy thi đấu làm luyện tập và mỗi chuyến du đấu chính là dịp để không chỉ trò học, mà thầy cũng được học nữa…
- Bà có thể nói rõ hơn về điều này?
- Với các trò, rèn bản lĩnh thi đấu qua “thực chiến” có ý nghĩa rất lớn, giúp các em dày kinh nghiệm trận mạc, không bị ngợp khi vào đấu trường lớn. Với các thầy, mỗi chuyến đưa quân đi thi đấu là dịp để phân tích đối thủ, hỗ trợ chiến thuật phù hợp cho vận động viên, đồng thời, quan sát cách chấm điểm, vận hành hệ thống điều hành của trọng tài. Luật thi đấu môn này thường hay được Liên đoàn Pencak Silat quốc tế thay đổi, bổ sung hằng năm, việc các huấn luyện viên, nhà quản lý của ta hiểu rõ về phương thức chấm điểm của trọng tài qua thực tế tham dự các giải chính thức có vai trò rất quan trọng đến thành - bại của vận động viên, trước mắt là tại SEA Games 31.
Do ảnh hưởng của Covid-19 mà năm 2021, pencak silat Hà Nội không có cơ hội thi đấu nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi vô cùng tiếc nuối khi không thể cùng đội tuyển quốc gia tham dự Giải vô địch pencak silat Đông Nam Á năm 2022, diễn ra từ ngày 21 đến 28-2, tại Singapore. Ngày 21-2, đội tuyển quốc gia lên đường thi đấu, nhưng ngày 18-2, bộ môn mới nhận được quyết định đồng ý cho đi nên chúng tôi không kịp làm các thủ tục liên quan để có thể lên đường đúng ngày. Cơ hội thi đấu quốc tế trước thềm SEA Games 31 đã bị lỡ, lúc này, chúng tôi chỉ mong sao kế hoạch tập huấn của đội tại Malaysia trước thềm Đại hội Thể thao toàn quốc sẽ không bị lỡ lần nữa, chỉ vì vấn đề thủ tục hành chính. Thêm nữa, mong rằng sẽ có giải pháp bảo đảm chế độ ăn, uống, trang thiết bị tập luyện cho các vận động viên.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.