Theo dõi Báo Hànộimới trên

Palestine: Cuộc hàn gắn mong manh

Vân Khanh| 30/04/2011 07:24

(HNM) - Trong khi Trung Đông đang hừng hực nóng bởi những đám lửa


Cái bắt tay lịch sử của đại diện Fatah và Hamas sau thỏa thuận sơ bộ tại Cairo.



Mối quan hệ không yên ả giữa hai lực lượng chính trị và vũ trang lớn nhất Palestine kéo dài ngót 5 năm qua đã được kéo lại gần nhau bằng những cái bắt tay đầy ý nghĩa. Chẳng cần chờ đến khi thỏa ước chính thức được công bố vào tuần tới, những người dân Palestine vốn phải nếm trải quá nhiều vị đắng của sự chia cắt đã có thể đặt niềm tin vào "ngày mai tươi sáng hơn" dưới sự lãnh đạo của một chính phủ đoàn kết được hy vọng đã ở ngay phía trước. Nhất trí về hầu hết các vấn đề vốn vẫn tranh cãi, đặc biệt là sự đồng thuận trên cả bình diện chia sẻ quyền lực như: tổ chức bầu cử và thành lập chính phủ lâm thời trước tháng 9 mà Hamas từng phản đối gay gắt, dường như một thời kỳ đen tối trong nội bộ Palestine đã chấm dứt. Đoạn kết mà cả Ai Cập, quốc gia làm trung gian hòa giải cho bất đồng Fatah-Hamas nhiều năm nay và Liên đoàn Arab - tác nhân mới vừa tỏ ý sẵn sàng thúc đẩy tiến trình này đều mong đợi - đã rút ngắn khoảng cách về những điểm khác biệt cốt lõi những tưởng không thể đồng thuận giữa hai bên.

Sợi dây đoàn kết mà hai phe phái đối địch ở Palestine vừa nắm lấy sau nhiều vòng đối thoại kết thúc trong dang dở xuất hiện tại thời điểm mà tại khu vực đang biến động dữ dội. Thế nhưng, như quy luật của hai mặt đối lập, cơn địa chấn đang rung lắc cả nền móng của thế giới Arab một mặt gây ra sự đổ vỡ ở những điểm yếu ớt, nhưng mặt kia lại có tác dụng hàn gắn những vết nứt dai dẳng. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo của cả Fatah và Hamas nhận được những tín hiệu phải thay đổi từ nhiều quốc gia trong khu vực khi sự cứng nhắc được nhận ra là sẽ gây nhiều hậu quả tai hại. Từ chỗ là trung tâm của mọi nỗ lực hòa đàm, dù ít hay nhiều, sự bùng nổ những điểm xung đột mới đã giảm sức hút của câu chuyện Palestine. Khi Mỹ, nhà bảo trợ chính của hòa bình Trung Đông có thêm nhiều mối quan tâm từ rối loạn trong không gian Arab. Còn Israel không đưa ra dấu hiệu khả quan về nối lại đàm phán và ngừng xây dựng các khu định cư, thì người Palestine phải tự xích lại gần nhau mà tìm cách thực thi bản kế hoạch được chấp bút hơn một năm trước đây. Không chỉ có vậy, cơn giận dữ đường phố của người dân Ai Cập đã lấy đi của Fatah "người anh trai" Hosni Mubarak, cựu Tổng thống đã đóng vai trò then chốt trong việc thúc giục hai phe phái Palestine đối thoại. Hamas cũng không vui vẻ hơn khi chiếc ô lớn là Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đang lâm vào gió bão. Vì thế, thông số duy nhất cho vòng luẩn quẩn bạo lực giữa những người anh em Palestine là phải củng cố quyền lực và tái lập sự chính danh ngay trong nội bộ trước khi đạt được mục đích cuối cùng là sự công nhận của cộng đồng quốc tế về một Nhà nước Palestine độc lập.

Mặc dù vậy, sự hợp nhất giữa hai mảnh ghép Fatah - Hamas chưa phải là đáp án cuối cùng của ma trận rắc rối giữa người Palestine và người Do Thái. Cảnh báo từ Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu rằng Fatah chỉ được chọn hòa bình với Israel hoặc Hamas cho thấy một trang sử với người Palestine có thể không tạo ra một con đường mới cho tiến trình hòa bình Trung Đông đang ở trong ngõ cụt. Washington cũng đang tiếp tục giữ khoảng cách do từng đồng tình với đồng minh thân thiết Tel Aviv, coi cái gai Hamas là khủng bố và không chấp nhận ảnh hưởng của tổ chức này trong chính phủ Palestine. Nếu như phong trào vũ trang Hamas tiếp tục giữ quan điểm không công nhận Israel thì cuộc vượt rào đáng ghi nhận Fatah - Hamas rất có khả năng chỉ là liệu pháp tinh thần của riêng người Palestine.

Dẫu vậy, dư luận đang hy vọng vào những gì tốt đẹp hơn thế. Những diễn biến nhanh chóng tại Trung Đông không có chỗ cho sự ích kỷ cá nhân. Đặt lợi ích của dân tộc là tiêu chí hàng đầu để bỏ qua những hiềm khích cũ kỹ không chỉ là bảo đảm cho một nhà nước Palestine thống nhất đang hướng đến trật tự mới mà cũng là nền tảng cơ bản để dự án hòa bình Trung Đông tiếp tục được đẩy về phía trước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga: Việt Nam hoan nghênh thỏa thuận hòa giải giữa Phong trào Fatah và Hamas
(HNM) - Ngày 29-4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về thỏa thuận hòa giải sơ bộ được ký ngày 27-4-2011 giữa Phong trào Fatah và Hamas, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: "Việt Nam hoan nghênh thỏa thuận hòa giải giữa Phong trào Fatah và Hamas, và luôn ủng hộ sự đoàn kết, thống nhất dân tộc của nhân dân Palestine; ủng hộ việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột Palestine - Israel trên cơ sở các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, Sáng kiến Arab… hướng đến một giải pháp toàn diện, công bằng, bền vững, bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên liên quan".

Đình Hiệp
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Palestine: Cuộc hàn gắn mong manh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.