(HNMO)- Đó là danh hiệu mà nhiều người dân quanh vùng trìu mến đặt cho ông Lê Đức Giáp ở thôn Bãi, xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội).
“Công dân ưu tú Thủ đô”
Đến thăm gia đình ông vào một chiều đông. Lúc này, ông đang chăm sóc và tưới cho các chậu cây ngũ quả trong vườn... Bên chén trà mạn, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về quá trình “bén duyên” với nghề trồng cây ăn quả có múi, nhất là cam Canh (cam đường). Ông cho biết, cây cam Canh bén rễ trên đồng đất quê ông được hơn chục năm trở lại đây. Sau khi học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc cây cam của những người đi trước ở địa phương và các tỉnh lân cận, đầu năm 2002, ông chính thức bắt tay vào trồng cây cam Canh.
Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”, ông cũng như nhiều người trong thôn, trong xã cũng gặp phải không ít khó khăn và cả thất bại khi mới bước vào nghề. Nhưng có lẽ, khác mọi người ở chỗ là sự may mắn đã tìm đến với ông. Theo ông Giáp, thông thường, đối với cây cam đã cho thu hoạch phải bảo đảm diện tích bình quân 9m2/gốc. Thế nhưng, khi bắt tay vào trồng, không tuân thủ theo lẽ thường đó, ông trồng 1cây/4,5m2 (tức là 3m/luống; khoảng cách các cây với nhau trên luống là 1,5m). Song, cảm giác vẫn thưa, vì thế, giữa các rãnh luống ông lại trồng thêm cây con để cuối năm có thể đem bán cây giống. Tuy nhiên, cuối năm đó, cây giống đã đôn lên nhưng bán chỉ hết một phần nhỏ, số cây giống còn lại không bán được, ông đành chấp nhận trồng lại. Nếu theo kỹ thuật thông thường trong trồng cam, sau mỗi kỳ thu hoạch quả, người trồng lại phải thao tác tiện thân cây một lần. Bởi vậy, ông cùng người thân trong gia đình tiến hành xử lý tiện cả cây đã trồng cố định và cả cây giống không bán được phải trồng lại. Kết quả, số cây trồng lại ra hoa rất nhiều và tỷ lệ quả đậu đạt cao hơn so với số cây ông trồng cố định từ ban đầu. Vậy là ngay trong năm thứ 2, ông đã thu được thành công lớn, bình quân mỗi cây cam giống không bán được mà ông trồng lại trong vườn cho năng suất 30-40 kg quả. Dịp Tết Nguyên đán năm đó, ông đã được ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tây biết đến và mời ông đưa những cây cam cho năng suất cao đi hội chợ Tết.
Ông Lê Đức Giáp bên sản phẩm đặc biệt do mình tạo ra- cây ngũ quả |
Từ sự ngẫu nhiên đó, ông Giáp đã đúc rút được một kinh nghiệm quý trong trồng cây cam đường, đó là ngoài kỹ thuật xử lý tiện thân như thông thường, cần phải đào gốc nhằm làm đứt bớt rễ thì cây cam khi ra hoa sẽ sai hơn và tỷ lệ quả đậu sẽ cao hơn rất nhiều. Sau khi tham gia hội chợ, ông đã phần nào nắm được thị hiếu của người tiêu dùng về thú chơi cam cảnh. Trên cơ sở đó, từ năm thứ 3 trở đi, bên cạnh việc trồng cam ăn quả, gia đình ông phát triển mạnh trồng cây cam giống, rồi làm cam cảnh. Cứ như vậy “tiếng lành đồn xa”, mọi người quanh vùng, rồi ở cả những tỉnh lân cận đã tìm đến tận vườn nhà ông để nhờ ông truyền đạt cho kinh nghiệm.
Chỉ sau một vài năm trồng cam, gia đình ông đã trả được hết nợ tiền vay ngân hàng, có “bát ăn, bát để”. Trên cơ sở đó, từ diện tích ban đầu khi bước vào nghề trồng cam khoảng 1.000m2, ông và gia đình đã mạnh dạn thuê thầu thêm đất của người dân trong làng để mở rộng diện tích lên thành 5.500m2. Không chỉ tận tình chỉ bảo, hướng dẫn mọi người về kỹ thuật trồng cam để đạt năng suất cao, ông Giáp còn tạo điều kiện giúp đỡ nhiều người về cây giống khi họ mới bước vào nghề. Chính vì vậy, ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; được TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” năm 2012.
Nhất nghệ tinh...
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh vườn thăm những chậu cây ngũ quả đang độ rộm vàng, chuẩn bị đón Tết Nguyên đan sắp tới, ông Lê Đức Giáp không giấu được niềm vui: “Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán năm nay, tôi đã trồng tới 100 gốc cây ngũ quả. Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết nhưng hầu hết cây ngũ quả đã được khách hàng khắp mọi nơi đặt hàng”. Theo ông Giáp, phần lớn cây ngũ quả trong vườn nhà ông có giá 5-7 triệu đồng, thậm chí có cây lên đến chục triệu đồng; số cây có giá một triệu đồng cho đến vài ba triệu đồng cũng có nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Vườn cây ngũ quả của gia đình ông Lê Đức Giáp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ |
Nhân duyên nào dẫn ông đến với cây ngũ quả? Ông Giáp vui vẻ bộc bạch: “Xuất phát từ thực tế, trong ngày Tết, trên ban thờ tổ tiên gia đình nào cũng bày mâm ngũ quả. Tôi nghĩ làm sao phải tạo ra cây ngũ quả để có thể bày trong ngày Tết. Từ suy nghĩ đó, năm 2008, tôi bắt tay vào làm”. Theo ông Giáp, qua những năm trồng cây ăn quả có múi, ông nhận thấy cây bưởi là loại cây có khả năng thích ứng và nuôi dưỡng những mắt ghép của các loại cây ăn quả có múi khác như cam, quýt, quất, chanh. Tuy nhiên, năm đầu tiên trải nghiệm ghép cây ngũ quả, ông Giáp đã thất bại. Ban đầu, vào độ tháng giêng cây ngũ quả (ghép gốc bưởi với mắt cành cam, quýt, chanh, quất) đều ra hoa rất sai, nhưng cuối năm, kết quả thu về là có cây đậu chỉ đậu 2 loại quả, có cây đậu 3 loại quả. Rút kinh nghiệm, từ năm sau, ông Giáp đã lựa theo đặc tính của mỗi loại cây để chọn tháng trong năm tiến hành ghép cho phù hợp, bảo đảm đến cuối năm trên cây ngũ quả, tất cả các loại quả đều đang độ chín vàng chuẩn bị đón Tết. Ngoài các loại quả kể trên, ông Giáp còn ghép cả quả phật thủ vào cho thêm phong phú. Vậy là chỉ sau một năm thử nghiệm ông đã thành công, đón Tết Nguyên đán, cây ngũ quả ông tạo ra không chỉ có màu vàng của quả đang độ chín, mà còn có màu xanh tươi tắn của lá, điểm xuyết vào đó là màu trắng tinh của hoa; hơn nữa cây ngũ quả vẫn bảo đảm mùi vị đặc trưng của hoa, quả của từng loại.
Theo ông Lê Đức Giáp, tuy đã thu được thành công trong việc tạo ra cây ngũ quả, nhưng năm đầu chưa tìm được thị trường tiêu thụ. Vì vậy, năm 2009, số cây ngũ quả có được, ông đã đem tặng hoặc bán rẻ cho bà con họ hàng, anh em bạn bè thân thiết quanh làng, quanh xóm để chơi Tết. Đúng vào năm đó, làng ông lại mở hội làng (5 năm mở lễ hội một lần), nên anh em, bạn bè từ các nơi về dự hội và đã biết đến cây ngũ quả của ông. Trên cơ sở đó, họ hỏi xin địa chỉ, tìm đến đặt hàng. Từ năm 2010, đánh dấu sự thành công của ông trong việc bán cây ngũ quả vào dịp Tết.
Được biết, thời gian qua đã có một vài người tìm đến ông Giáp để học nghề ghép cây ngũ quả, nhưng có lẽ đến thời điểm này vẫn chỉ có ông là “độc tôn”. Cây ngũ quả của ông đã được nhiều người từ trong nam ngoài bắc biết đến, rồi còn được chuyển ra các huyện đảo xa xôi để đón Tết.
Được biết, những năm gần đây, ngoài việc cùng gia đình vun vén, chăm sóc vườn cây ăn quả, cây cảnh của gia đình, ông Giáp còn nhận lời mời đi các tỉnh (Hòa Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Sơn La...) để giúp mọi người về kỹ thuật chăm sóc cây cam đường. Có thể nói, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, ở tuổi 60, ông Lê Đức Giáp đã làm giàu chính đáng trên đồng đất quê nhà từ việc trồng cây ăn quả. Không chỉ vậy, ông còn góp phần tô đẹp thêm ngày Tết cổ truyền của dân tộc bằng loại cây đặc biệt- cây ngũ quả!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.