(HNM) - Sự nỗ lực của ông Phạm Song Toàn đã giúp hàng trăm liệt sĩ được đoàn tụ cùng gia đình.
Như bao chàng trai yêu nước khác, năm 1967, Phạm Song Toàn rời quê hương lên đường nhập ngũ. Năm 1973, ông phục viên trở về quê hương. Tại địa phương, ông Toàn tiếp tục công tác tại Ban Công an xã, sau đó là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Đến tuổi nghỉ hưu, ông quanh quẩn với việc nhà, chăm sóc các cháu, thỉnh thoảng chỗ nào trong xã thiếu cây xanh ông lại mang đi trồng. Hành trình tìm mộ đồng đội của người cựu chiến binh Phạm Song Toàn chỉ bắt đầu từ năm 1995, khi thân nhân liệt sĩ Bùi Thanh Huệ - người đồng đội, đồng hương của ông Toàn nhờ tìm mộ người thân.
Ông Phạm Song Toàn nghe lại thông tin về mộ liệt sĩ. |
Nhớ những ngày "nếm mật nằm gai" cùng đồng đội, thương người bạn một thời gắn bó giờ nằm lại nơi chiến trường suốt bao năm vẫn chưa được đoàn tụ với gia đình, ông Toàn quyết định lên đường. Ông nhớ: "Giữa một ngày mưa tháng 9-1995, tôi đạp xe lên Hà Nội tìm thông tin về liệt sĩ Bùi Thanh Huệ thì nhận được thông tin anh Huệ đã hy sinh và được người đồng đội ở đơn vị Sư đoàn 325, quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang chôn cất. Có thông tin, tôi vội vàng đạp xe một mạch từ đấy đến Bắc Giang và lại được thông tin liệt sĩ Huệ được an táng tại Bến 5, Bãi Mít, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị".
Khi đã có địa chỉ nơi an táng đồng đội, ông Toàn quyết tâm đi tìm mộ bạn. Ông đi nhờ xe khách của một người làng vào huyện Vĩnh Linh và mang theo cả chiếc xe đạp để tiện đi lại. "Trời Quảng Trị nắng như đổ lửa. Đấy là lần đầu tiên tôi đi tìm mộ liệt sĩ nên chưa có kinh nghiệm, trong túi chỉ có giấy tờ tùy thân và chút tiền đi đường. Nước uống không có, đồ ăn không mang, tôi tưởng không qua được trận ấy", ông Toàn hồi tưởng lại.
Sau những cố gắng không mệt mỏi, ông cũng tìm được đến nơi cần đến. Nhưng phần mộ của liệt sĩ Huệ đã được quy tập đến nơi khác, vậy là giữa trưa nắng như rang, ông lại mò mẫm dắt xe trở ra. Phần vì đói, phần vì khát ông tưởng như không còn sức để đi tiếp nữa, phải tìm suối để uống nước. Chập tối, ông ra đến bản của đồng bào Vân Kiều. Sau bữa tối, người cựu chiến binh mệt quá lăn ra ngủ thiếp đi, đến sáng hôm sau mới tỉnh dậy đạp xe về thị trấn. Vào đến nghĩa trang trung tâm thị trấn, ông hỏi thăm và được biết mộ liệt sĩ Huệ đã được quy tập về nghĩa trang huyện Đông Hà (Quảng Trị). Không nản lòng, ông tìm về Đông Hà, nhưng dấu tích đồng đội đã chẳng còn.
Những ngày ngược xuôi tìm mộ liệt sĩ Bùi Thanh Huệ là những ngày ông Toàn bị ám ảnh bởi hình ảnh những nấm mộ đồng đội nơi đất khách quê người. Ông nghĩ, hàng nghìn ngôi mộ nằm lại nơi các nghĩa trang là hàng nghìn linh hồn đang ngày đêm thương nhớ quê hương, gia đình. Hàng nghìn liệt sĩ không tìm thấy hài cốt là chừng ấy gia đình, bạn bè thương nhớ, day dứt. Cũng như ông, đứng giữa trời Quảng Trị, nhớ thương, buồn bực vì không tìm thấy người bạn của mình. Nghĩ vậy, người cựu chiến binh nung nấu ý nghĩ sẽ ghi chép tên các liệt sĩ, quê quán, đơn vị của họ để báo tin cho người nhà. Bắt đầu từ đấy, ông Toàn liên tục có những chuyến đi đến các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng... Một năm đôi lần, thậm chí ba, bốn lần, ông đi xe khách hoặc nhờ xe người quen đi làm ăn để đi tìm đồng đội. Vật bất ly thân trong mỗi chuyến đi là chiếc xe đạp và đến đâu có nghĩa trang liệt sĩ, ông lại tìm vào.
Những chuyến đi khiến cho nước da của ông Toàn ngày một sạm đen lại, sức khỏe mai một dần nhưng lòng người cựu chiến binh thấy rộng mở. Ông Toàn kể: "Có lần, tôi đang đạp xe đến nghĩa trang ở Quảng Trị thì bị một xe máy đụng, phải khâu 3 mũi, đau lắm nhưng nghỉ một đêm, hôm sau tôi lại đạp xe đi cho kịp thời gian. Cũng có lần, tôi bị bọn xấu cướp hết tiền, phải nhờ người dân địa phương giúp đỡ". Nhiều lúc, ông Toàn cũng muốn có một người bạn đồng hành trong mỗi chuyến đi để chia sẻ những khó khăn trên đường. Nhưng rồi ông lại lẳng lặng một mình, bởi không phải ai cũng đổ tâm sức, thời gian và tiền bạc để đi như ông. Ông bảo: "Tôi có lòng, anh em đồng đội đã hy sinh sẽ phù hộ cho tôi hoàn thành tâm nguyện".
Những cánh thư không mỏi
Suốt 20 năm qua, ông Toàn đã có 39 lần đi tìm mộ liệt sĩ và cùng với thân nhân của họ đưa hài cốt liệt sĩ về. Ông đến tất cả 29 nghĩa trang và ghi chép được thông tin của 2.900 liệt sĩ. Có được thông tin về đồng đội, ông thông tin lên các Báo Hà Tây (nay là Báo Hànộimới), Báo An ninh Thủ đô, Báo Quân đội nhân dân... giúp cho hàng trăm gia đình tìm được mộ người thân.
Ở thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, tuần hai lần, người ta đều thấy ông Toàn đạp xe lên bưu điện xã gửi thư. Thư đi, ông cầu mong sẽ đến được tay thân nhân các gia đình liệt sĩ. Ông Toàn cho biết: "Lúc đầu tôi chỉ ghi chép thông tin về người Hà Tây thôi, về sau, tôi ghi chép hết". Có chút tiền lương ít ỏi, ông đều chi phí vào tiền bút mực, tem thư. Có 15 gia đình liệt sĩ khi nhận được thư đã tìm đến nhờ ông Toàn cùng họ đưa mộ người thân về. Chứng kiến những giọt nước mắt dù là thương nhớ nhưng là đoàn tụ, ông Toàn xúc động lắm. Ông kể: "Có người ở Hà Tây, khi chồng hy sinh đã đi tìm hạnh phúc mới, nhưng khi được ông Toàn hay tin nơi chôn cất chồng cũ vẫn lặn lội vào tận Quảng Trị để đưa linh cữu về, nhìn họ khóc thương, tôi cũng không cầm nổi nước mắt".
Một số gia đình tự đi tìm mộ người thân theo địa chỉ ông Toàn cung cấp và hồi đáp cho ông biết nhưng cũng có những người chẳng thấy thông tin gì. Ông cứ bồn chồn không biết họ đã đưa mộ người thân về hay chưa. Ông bảo, buồn nhất có lẽ là những gia đình nhận được thư và hồi đáp lại, vì hoàn cảnh gia đình nên họ không thể đưa mộ người thân về quê nhà được. "Dù tôi đã rất có lòng nhưng các anh ấy vẫn chưa được về quê", người cựu chiến binh già nghẹn ngào.
Năm nay, ông Toàn đã 75 tuổi, trải qua thăng trầm của những chuyến đi, sức khỏe cũng đã yếu, không thể tiếp tục công việc của mình. Ông lại quay về với công việc tìm những nơi thiếu cây xanh ở xã Nhị Khê để trồng. Hằng ngày, ông vẫn nghe trên chuyên mục "Nhắn tìm đồng đội" của Đài Tiếng nói Việt Nam, ghi chép về thông tin liệt sĩ, tiếp tục biên thư cho thân nhân của họ. Mấy năm gần đây, tai ông Toàn yếu hẳn, việc ghi chép có phần khó khăn và không được thường xuyên như trước. Người cựu chiến binh già cứ phải ghé sát tai vào đài, nhưng chỉ câu được câu không. Để giúp ông tiếp tục công việc có ý nghĩa của mình, năm 2013, Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội đã tặng ông một máy ghi âm, thiếu chỗ nào, ông nghe lại ghi âm để bổ sung.
Với những đóng góp của mình, năm 2013, ông Phạm Song Toàn được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2013 và Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội tặng Bằng khen. Nhưng có lẽ với ông, hạnh phúc lớn nhất vẫn là hằng ngày dõi theo hành trình trở về đoàn tụ cùng gia đình của những người đồng đội đã hy sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.