(HNMO) - Với 91,4% đại biểu bỏ phiếu tán thành, chiều ngày 23/7, ông Nguyễn Sinh Hùng đã trúng cử chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XIII.
Trên cơ sở kết quả phiếu xin ý kiến và tổng hợp ý kiến các đoàn đại biểu, Quốc hội đã thảo luận và thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII.
Tiếp đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ danh sách đề cử các chức danh Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII.
Quốc hội cũng đã tiến hành bầu Ban kiểm phiếu gồm 21 thành viên, do ông Nguyễn Văn Chiến (đoàn Tuyên Quang) làm Trưởng ban.
Kết quả kiểm phiếu bầu của các đại biểu cho thấy, ông Nguyễn Sinh Hùng đã trúng cử chức danh Chủ tịch Quốc hội với 91,4% đại biểu tán thành.
Tiểu sử Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ngày sinh: 18/01/1946 Tóm tắt quá trình công tác - 9/1966-12/1970: Sinh viên trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội. |
Các chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội được tín nhiệm trao cho: Ông Uông Chu Lưu với 98,4% đại biểu tán thành; bà Nguyễn Thị Kim Ngân với 96,6% đại biểu tán thành; bà Tòng Thị Phóng với 95,8% đại biểu tán thành; ông Huỳnh Ngọc Sơn với 97,6% đại biểu tán thành.
Các vị trí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII được các đại biểu tín nhiệm bầu cho các ông, bà: Phan Xuân Dũng, Nguyễn Văn Giàu, Trần Văn Hằng, Phùng Quốc Hiển, Nguyễn Văn Hiện, Nguyễn Kim Khoa, Phan Trung Lý, Trương Thị Mai, Nguyễn Thị Nương, Nguyễn Hạnh Phúc, Ksor Phước, Đào Trọng Thi.
Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cảm ơn sự tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội dành cho các thành viên. Chủ tịch Quốc hội khóa XIII cho rằng, đây là niềm vinh dự to lớn, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề mà nhân dân giao phó cho mỗi thành viên.
Tân Chủ tịch Quốc hội hứa sẽ kế thừa những thành quả, kinh nghiệm các khóa trước, nỗ lực phấn đấu cùng các đại biểu QH đoàn kết, thống nhất, phát huy trách nhiệm trước nhân dân để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật quy định, góp phần xây dựng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ luôn trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ công tác, kiên quyết chống tham nhũng, quan liêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn bó và lắng nghe nhân dân để thực sự là người đại biểu của nhân dân, vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, góp phần vào hòa bình và sự ổn định của khu vực và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.