(HNMO) - Theo kết quả kiểm phiếu vừa được công bố, 96,77% số phiếu (60 trong tổng số 62 phiếu) nhất trí bầu ứng viên duy nhất Lê Hùng Dũng cho vị trí Chủ tịch VFF.
Ông Dũng sẽ giữ cương vị Chủ tịch VFF trong nhiệm kỳ 4 năm. Ảnh: VnExpress |
Tại Đại hội, bài phát biểu của ông Lê Hùng Dũng được đặc biệt quan tâm, bởi nó phần nào cho thấy quan điểm và định hướng hoạt động của bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ 2014-2018. Về quan điểm, ông Dũng đề cập đến 2 vấn đề. Thứ nhất, bóng đá không chỉ tồn tại “vì mình” mà còn phải có nhiệm vụ “vì xã hội”. Bàn về trách nhiệm xã hội ấy, ông Dũng nhấn mạnh: Các CLB, các tuyển thủ quốc gia cần thống nhất để nâng cao hơn nữa trách nhiệm xã hội của mình trong các giải đấu, các trận đấu, sao cho những hình ảnh đẹp, hay, cao thương, chất lượng của các trận đấu ngày càng nhiều, như quan điểm của Chiến lược phát triển bóng đá nêu rõ ở Mục c, Điều 1: “Việc nâng cao thành tích bóng đá ở cấp dộ đội tuyển vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bóng đá, đồng thời là công cụ hữu hiệu góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế”.
Thứ hai, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải sống được nhờ vào 2 nguồn thu nhập chính: sự tài trợ hào hiệp của các ông bầu và nhờ vào khán giả, trong đó, về lâu dài, vai trò của khán giả sẽ ngày càng có ý nghĩa quyết định. Bàn về vấn đề này, ông Dũng bày tỏ: “Một nền bóng đá có khán giả đông đảo thì phải có 2 yếu tố: đẹp và hiệu quả. Một CLB đá đẹp nhưng toàn thua thì cái đẹp đó vô nghĩa, vì chẳng ai xem một đội bóng toàn thua. Một đội bóng đá hiệu quả nhưng chỉ đá để đủ điểm trụ hạng, móc ngoặc, chia điểm thì dần dần cũng sẽ không có khán giả. Đội bóng đó sẽ không có tương lai vì không có nhà tài trợ nào dám bỏ tiền lớn đầu tư cho hình ảnh của họ vào một CLB như vậy”.
Vậy VFF và Công ty Cổ phần Tổ chức Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ làm gì để hỗ trợ, giúp các CLB bóng đá chuyên nghiệp phát triển? Tân Chủ tịch VFF khẳng định các vấn đề cần tập trung trong 1-2 năm tới, bao gồm:
1/Về công tác trọng tài, giám sát: VFF sẽ bảo đảm làm cho công tác trọng tài ngày càng có chất lượng, nâng cao tính công tâm, trung thực, khách quan. Giải pháp được đưa ra là không mời hoặc phân công trọng tài “có vấn đề”. Nếu thiếu trọng tài, VFF sẽ sử dụng các trọng tài trẻ, hoặc liên kết trọng tài với các Liên đoàn các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan.
2/VFF và VPF sẽ lắp thêm camera cố định tại các sân V-League để hỗ trợ công tác kiểm tra sau trận đấu, để có cơ sở phạt nguội các VĐV cố tình chơi xấu, phạm luật, đá thô bạo, có chủ ý triệt hạ đối phương. 3/Về đội tuyển quốc gia, ông Dũng bày tỏ: “Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc việc từ chỗ thuê chuyên gia đơn lẻ, mùa vụ thành định hướng hợp tác, hỗ trợ toàn diện trong giai đoạn từ 5 đến 10 năm, nhằm thực hiện giai đoạn đầu của Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020”. Đối tác ông Dũng đề xuất là Nhật Bản.
Trong bài phát biểu quan trọng này, tân chủ tịch VFF cũng đề cập đến vấn đề đào tạo trẻ, nhiệm vụ đổi mới phong cách, hình ảnh và nâng cao chất lượng của bộ máy điều hành VFF…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.