Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ông giáo già yêu nghề

Thiện Mỹ| 16/09/2016 06:05

(HNM) - Ở vùng quê nghèo Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức), không mấy người không biết ông giáo đã 74 tuổi Phạm Thái Hòa. Nghỉ hưu đã 14 năm nhưng thầy Hòa vẫn lặng thầm cống hiến, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của huyện và tổ chức các lớp học miễn phí tại nhà cho những em học yếu, có hoàn cảnh khó khăn.

Niềm vui của thầy giáo già.



“Bảng vàng” thành tích

Tôi gặp thầy giáo Phạm Thái Hòa vào một ngày mưa rả rích đầu thu khi năm học mới vừa bắt đầu. Thầy sống bình dị trong căn nhà mái ngói rêu phong tươm tất, nền lát gạch đỏ vuông vức, nhẵn bóng. Trong căn phòng nhỏ dành để dạy học, bàn ghế gọn gàng, ngăn nắp… Kể về những tháng ngày tuổi trẻ, giọng thầy sôi nổi hẳn lên. 20 tuổi, thầy giáo trẻ Phạm Thái Hòa bắt đầu đứng lớp dạy môn toán ở Trường cấp II Lê Thanh (nay là Trường THCS Lê Thanh, huyện Mỹ Đức). Chỉ trong ít năm, ông được điều động về các Trường cấp II Phù Lưu Tế, rồi Trường cấp II An Mỹ… Ở mái trường nào, ông cũng tâm huyết với học sinh. Trong suốt 40 năm dạy học ở nhiều mái trường khác nhau, nhưng ở đâu ông cũng được phân công ôn luyện học sinh giỏi. Chỉ sau 5 năm dạy học, ông đã bắt đầu có lứa học sinh đầu tiên tham gia các kỳ thi học sinh giỏi. Năm học 1966-1967, dưới sự dẫn dắt của thầy Hòa, học trò Bùi Đức Ào đã nổi như một ngôi sao sáng khi đoạt giải ba trong cuộc thi học sinh giỏi môn toán toàn miền Bắc. Và đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Hà Tây (cũ) có học sinh giỏi toàn miền Bắc. Ngay sau cậu học trò xuất sắc Bùi Đức Ào, học trò Lê Hồng Đức của thầy Hòa lại tiếp tục đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi môn toán toàn miền Bắc. Ngành Giáo dục địa phương khi ấy ngỡ ngàng với "hiện tượng lạ" 2 cậu học trò giỏi cùng người thầy Phạm Thái Hòa ở vùng quê nghèo Mỹ Đức. Tiếp nối phong trào ấy, từ năm 1966 đến năm 1999, thầy Hòa đã liên tiếp đào tạo được 12 học sinh giỏi đoạt giải tại các kỳ thi toán cấp quốc gia và hơn 200 học sinh giỏi toán trong các kỳ thi cấp tỉnh. Thậm chí, sau khi nghỉ hưu, từ năm 2002 đến năm 2009, thầy Hòa vẫn được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức tin tưởng, mời tiếp tục công tác để bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong 7 năm ấy, thầy Hòa đã có thêm 35 học sinh đoạt giải thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh, thành phố trong đó nhiều giải nhất, nhì.

Với những thành công vang dội đó, thầy Hòa liên tục nhận được bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND huyện Mỹ Đức. Từ năm 1967 đến năm 2000, thầy đã liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1992…

Ông Lê Văn Đề (sinh năm 1942), nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Lâm (Mỹ Đức) nhận xét đầy trân trọng về đồng nghiệp: Thầy Hòa là nhà giáo mẫu mực, luôn khiêm tốn, sống bình dị và tự vươn lên không biết mệt mỏi. Thầy luôn tranh thủ mọi thời gian để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Hầu như chưa lúc nào thầy Hòa ngơi nghỉ. Tuy thầy Hòa nghỉ hưu đã 14 năm, nhưng đến nay rất nhiều thế hệ học trò cũ vẫn gửi gắm con, cháu của họ cho thầy. Dù cuộc sống không dư dả, nhưng 14 năm qua ông vẫn dạy miễn phí biết bao học sinh nghèo, nhất là vào mùa hè, nhà ông giáo lúc nào cũng đông vui vì tiếng nói cười của các em nhỏ. Vài năm gần đây, sức khỏe không còn được như trước, ông vẫn cố gắng kèm cặp cho một số học sinh có học lực kém hoặc học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn…

Người thầy tâm huyết

Những thành tích ấy có lẽ chỉ là phần nổi trong sự nghiệp "chở đò" của thầy Hòa. Người ta trân trọng ông bởi tấm lòng nhiệt huyết và yêu quý học sinh. Thầy Hòa vẫn thường xuyên liên hệ với các thầy, cô giáo đang dạy học, hỏi thăm về những học sinh mình đã từng dạy ở nhà, dõi theo từng bước tiến bộ của các em. Những điểm cần uốn nắn, những gì cần lưu ý, cần phải bổ sung… thầy Hòa đều trao đổi thêm với thầy cô đang giảng dạy cho các em tại trường. Thầy Hòa tâm sự: Để có phương pháp dạy học hiệu quả, tôi đã tìm tòi và phải tự sáng tạo; phải biết lực học của từng em để có cách củng cố kiến thức, dạy cho phù hợp. Dạy phải kết hợp với dỗ, phải động viên, khuyến khích và yêu mến các em thật sự bằng tấm lòng. Phương pháp dạy học rất quan trọng, nếu chỉ có dạy kiến thức không, sẽ không thể mang thành công đến cho các em… Có lẽ, vì sự chân tình ấy mà nhiều người con Phúc Lâm, dù sinh sống xa quê, nhưng vẫn tranh thủ gửi gắm con, cháu về nhờ thầy kèm cặp trong mỗi dịp hè về.

Thầy Phạm Thái Hòa trong cuộc sống thường ngày.



Biết bao thế hệ học trò đã đi qua, hàng chục giáo viên đang đứng lớp ở huyện Mỹ Đức cũng từng là học trò của thầy Hòa. Ngưỡng mộ phương pháp dạy học của thầy, đến nay vẫn có nhiều giáo viên đến học hỏi thầy Hòa về cách truyền đạt kiến thức cho học sinh. Nhiều học trò thành danh, nhớ ơn công lao của thầy vẫn thường xuyên về thăm mỗi dịp hội lớp, hội trường. Rất nhiều học sinh của thầy trở thành những con người có ích, cống hiến cho đất nước, nhiều tiến sĩ, nhà khoa học, giảng viên trường đại học đã trưởng thành từ mái trường nơi thầy Hòa dìu dắt.

Ông Đặng Văn Viện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức cho hay: Nhà giáo Ưu tú Phạm Thái Hòa có chuyên môn giỏi, tâm huyết, trách nhiệm với nghề và luôn hết lòng vì học sinh. Qua hơn 40 năm công tác, thầy đã truyền ngọn lửa đam mê học tập cho nhiều thế hệ học trò của Mỹ Đức. Thầy đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và cũng từ đó nhiều học sinh thành đạt trong cuộc sống, góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Đặc biệt, điều chúng tôi càng yêu mến, kính trọng thầy hơn là dù thầy đã nghỉ hưu nhưng vẫn khát khao được cống hiến. Thầy vẫn tiếp tục tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi giúp huyện; tổ chức các lớp học bồi dưỡng học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn miễn phí tại nhà. Bên cạnh đó, thầy còn tham gia các đoàn thể xã hội như Hội cựu giáo chức, Ban hòa giải thôn để vận động mọi người cùng thực hiện tốt cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thầy Phạm Thái Hòa thực sự là tấm gương sáng để các thế hệ nhà giáo, học sinh của huyện học tập và noi theo.

Yêu mến, say mê với nghề dạy học, thầy Phạm Thái Hòa đã hướng các con của mình theo nghề giáo. Hiện tại, 6 người con trai, con gái, con dâu của ông đều theo ngành sư phạm và đó cũng là niềm vui, tự hào của ông. Ở tuổi "xưa nay hiếm”, ông vẫn trăn trở về một chữ tâm với nghề, với tình yêu lớn dành cho những học trò nghèo ở vùng quê còn nhiều khó khăn của mình…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông giáo già yêu nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.