Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ông già đam mê thổ cẩm

Hương Thủy| 22/03/2011 06:40

(HNM) - Triều Khúc là một trong những làng cổ thuộc xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội). Người dân Triều Khúc từ xưa đến nay đã mở mang rất nhiều nghề, trong đó có nghề dệt. Từ nghề dệt truyền thống của quê hương, ông Đỗ Đình Được lại đam mê với hàng thổ cẩm và tạo dấu ấn bản sắc riêng.


"Tôi sinh ra và được nuôi dưỡng trong một gia đình đã ba đời gắn bó với nghề dệt. Ngay từ hồi còn để chỏm, tôi đã quen với từng sợi thô, sợi sần, dệt lĩnh, dệt lụa... Giờ đây, không chỉ cánh già ở tuổi bén ngưỡng bát thập như tôi, mà nhiều người vẫn luôn tự hào bởi những sản phẩm tự tay mình, cũng như các nghệ nhân trong làng làm ra" - trong căn nhà nhỏ đơn sơ giản dị, ngồi vui trò chuyện bên ấm trà mạn, ông Đỗ Đình Được đã trải lòng mình như vậy.

Ông Được nhớ lại, ngày đó, ra trường được giữ lại làm giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ông đã bị cuốn hút bởi những dòng thổ cẩm rực rỡ sắc màu của các vùng, miền trên cả nước. "Chuộng nhiều, ưng lắm, nhưng mà thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Mường, Tày, Dao… vùng Tây Bắc vẫn làm tôi mê mẩn hơn cả. Chính vì vậy, tôi đã chủ động tạo cho mình những chuyến đi xa dài ngày. Tại các địa phương, phương châm "Hai cùng" (cùng ăn, cùng ở) với đồng bào các dân tộc đã giúp tôi thêm nặng lòng, gắn bó với thiên nhiên, con người nơi đây, rồi "ngấm" những nét văn hóa truyền thống từ các sản phẩm thổ cẩm tự bao giờ không hay" - già Được bộc bạch.

Nhiều người cao tuổi trong làng cho hay, ông Được đã dồn nhiều công sức, tiền bạc nhằm học hỏi, nghiên cứu các phương thức chiết xuất màu nhuộm, nguyên liệu làm sợi, cách dệt thổ cẩm của bà con dân tộc thiểu số. Ông Được cho biết, so sánh về sự khác biệt giữa thổ cẩm Thăng Long - Tràng An với thổ cẩm Tây Bắc thì thấy, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc ưa màu sặc sỡ, lấy các gam đỏ chói, xanh chói, vàng chói... làm chủ đạo. Trong khi đó, người Tràng An thường ưa màu nhẹ nhàng, trầm dịu; cách bố cục, cách điệu hoa văn trên những sản phẩm cũng đòi hỏi sự tinh xảo, sống động hơn. Nắm bắt sâu những đặc trưng đó, khi bắt tay thực hiện nhuộm màu sợi vải, ông không nhuộm nguyên màu gốc mà tìm công thức pha trộn sao cho ra màu phù hợp với "gu" của người Hà Nội. Ông luôn cố gắng đưa ra những đường nét hoa văn sinh động, độc đáo, lạ mắt. Trong quá trình dệt, ông áp dụng một phần máy móc hiện đại sản xuất ra những sợi tơ chuốt, mềm, đều hơn, khi dệt ít bị lỗi. Chính vì vậy, sản phẩm thổ cẩm của ông Được làm ra từng được sử dụng làm đồ trang trí cho các công trình nội thất trong các nhà khách Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao..., tham gia triển lãm hội chợ tại Nhật Bản, Đức, Ba Lan... Sản phẩm dệt thổ cẩm của ông còn góp phần phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ông già đam mê thổ cẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.