(HNM) - Tuy không đứng trong văn phòng tứ bảo, nhưng ống bút từ lâu luôn được coi trọng và thu hút không ít tình cảm của tao nhân mặc khách. Bên cạnh “tứ bảo” - Nghiên mực, bút, gác bút và giấy - ống bút luôn chiếm một vị trí đặc biệt.
Ống bút Càn Long
Thoạt đầu, nó chỉ là một đoạn tre hoặc gỗ rỗng với kích thước vừa vặn, có đáy dùng để dựng chiếc bút khi dừng tay. Sau đó, cùng sự thăng tiến và tôn quý của chữ viết, người đời đã sử dụng đủ các chất liệu với nhiều kích thước, phẩm cấp cũng như trút nhiều tâm sức để chế tác vật dụng này. Từ ngọc, ngà đến gốm, sứ... đều được không ít nghệ nhân phương Đông thử sức trên chỉ một chiếc ống bút nhỏ xinh. Ai từng cầm trên tay một ống bút đẹp của phương Đông hẳn phải ngạc nhiên về một thứ từ lâu - được cả vua, quan lẫn thứ dân đều nể trọng - đã thành biểu tượng của sự học, của cái Chân - Thiện - Mỹ!
ống bút được chế tác từ rất xưa, nhưng thời điểm chính xác về sự xuất hiện của loại văn vật này vẫn còn là một bí ẩn. Những ống bút cổ của Đại Việt được tìm thấy thường chỉ bằng gốm. Điều này cắt nghĩa tại sao vua quan dưới nhiều triều đại phong kiến kế tục Việt Nam đều từng “nhập khẩu” ống bút sứ từ Trung Quốc.
ống bút có nhiều kích thước khác nhau; nhưng chủ yếu chỉ gồm ba loại: Nhỏ - dùng để đựng bút văn phòng - Trung - để loại bút lớn hơn và Đại - dành riêng cho các bút vẽ, viết các bức thư pháp lớn.
Hiệu đề nơi ống bút là một dấu hiệu quan trọng chỉ ra phẩm cấp cũng như mức độ tinh tế của người sử dụng. Lạ một điều rằng, phần lớn các ống bút được thấy lại hiếm khi ghi hiệu. Phổ biến nhất trong các ống bút sứ cổ có ghi hiệu thường dùng bốn chữ hoặc chỉ hai chữ. Các hiệu này là các niên hiệu vua nhà Thanh (Trung Quốc), các mỹ từ hoặc niên hiệu theo Âm lịch... Có hiệu viết theo lối chữ “chân”, đôi khi lại là chữ “triện”; nhưng dù theo cách nào, cũng đều hết sức xương kính, khiến đời sau khó lòng theo kịp. Do đó, một ống bút phỏng cổ dù tài khéo đến mấy vẫn có thể nhận ra phần lớn nhờ vào các hiệu ghi này.
Một ống bút đẹp mà kẻ tôi mọi nơi đèn sách này từng ngắm nhìn và được cầm trên tay là chiếc ống bút sứ, men xanh - trắng, hiệu “Đạo Quang Niên Chế” ở nhà cụ Đông Thịnh (13 phố Tràng Thi). Cụ Đông Thịnh là lớp người cũ, có tiếng trong giới đồ cổ Hà thành. Hậu duệ hôm nay mỗi khi nhắc tên cụ đều không khỏi kính trọng nghĩ về một lớp người đã âm thầm góp cuộc sống của chính mình cho một Hà Nội cổ kính hôm nay.
Chiều cao chiếc ống bút chưa đầy hai mươi xăng-ti-mét ấy, được thể hiện bằng một lối vẽ tuyệt luân của người thợ thủa nào. Trên một diện tích cỡ chỉ một trang sổ nhỏ, người ta thấy đủ cả “tứ dân - tứ thú” với: Ngư - Tiều - Canh - Độc. Ngư, còn gọi là ngư phủ, tức người câu cá. Tiều là tiều phu, tức kẻ đốn củi. Canh là chỉ người nông dân, chuyên việc đồng áng, cày bừa. Độc là chỉ “độc thơ nhân”, tức ông dài lưng tốn vải, ăn rồi làm thơ! Cũng có khi đổi “Độc” thành “Mục” để có: Ngư - tiều - canh - mục. Mục ở đây là “mục đồng”, tức trẻ chăn trâu. Tại sao hội họa cổ phương Đông - trong đó có Đại Việt ta - lại đổi một nhà thơ lấy đứa trẻ chăn trâu? Hà Nội Ngàn năm xin được hẹn một dịp khác.
Trở lại với cái ống bút của cụ Đông Thịnh, qua đề tài như nêu trên đủ thấy cái ống bút nhỏ hàm súc về mơ ước một cuộc sống bình dị. Nét bút nhỏ, có tốc độ như một trận bút, gợi lên cảnh núi non hiểm trở, sông nước quanh co, mây trời kỳ vĩ cùng những cánh chim tìm về nơi ấm áp và nếp nhà đơn sơ... Tài tình đến thế là cùng. Chỉ trên một cái ống sứ nhỏ với từng ấy khung cảnh càng thấm câu: “Nhất bích quải tận thu vạn lý giang sơn”, nghĩa là: Một bức họa thu vạn dặm sông núi!
Trong cái bất tận của thiên nhiên ấy, con người - nhân vật - tuy là chính, nhưng lại được thể hiện rất đỗi khiêm tốn. Lối bích họa đầy ẩn dụ, đẫm truyền thống á Đông này thuyết phục ngay cả những người khó tính nhất.
Lúc sinh thời, nhà cổ ngoạn nổi tiếng đất Sài Gòn - Gia Định cũ, cụ Vương Hồng Sển từng mua được một ống bút có kích thước và lối vẽ tương tự như ống bút “Đạo Quang Niên Chế” này với giá 15.000 vào năm 1972. Điểm khác là ống bút của cụ Vương theo lối men rạn và hiệu ghi “Giáp Thân Niên Chế”, tức là sản xuất vào năm1824. Một cổ sứ chỉ ra được thời điểm ra lò, nhất là chính xác về năm tháng rất quý.
Như vậy, khoảng 30 năm sau, trên đất Hà thành tôi được chứng kiến một ống bút tương tự. Cái khác biệt như đã nêu là men rạn. Còn hiệu đề, tuy bốn chữ có khác nhau, nhưng phẩm cấp thì rõ là cùng một địa chỉ: Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Đến đây đủ thấy sưu tầm cổ ngoạn đôi khi không cần lắm tiền nhiều bạc mà cần hơn cả lại ở chính cái tâm của lòng người và nhất là ai đó có gặp may hay không!
Như đã hẹn, Hà Nội Ngàn năm xin hiến bạn yêu cổ ngoạn vài ống bút cùng dăm cổ ngoạn được xem là tinh túy của sứ cổ xanh - trắng như chiếc ghè vẽ rồng đời Nguyên này.
Bài và ảnh:Nhật Nam
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.