(HNM) - Thói quen phỏng đoán và học tủ đã khiến không ít học sinh (HS) và cả giáo viên (GV) các trường có phần lo lắng trong việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 bởi sự xuất hiện của 4/6 môn thuộc lĩnh vực khoa học - xã hội và nhân văn, trong đó môn địa lý vừa được thi ở năm 2009.
Việc ôn tập vì thế được dự kiến là khá vất vả, nhất là với những em học theo ban A, B. Làm thế nào để đạt kết quả tốt? Đó là câu hỏi thường trực với mỗi thí sinh trong chặng cuối.
Nếu ôn tập kỹ theo chương trình học và có khả năng tư duy tốt, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không quá khó với học sinh. Ảnh: Viết Thành |
Ôn tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng
Năm học 2009-2010 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT ban hành "Hướng dẫn chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình THPT" nhằm giúp GV biết được cái đích tối thiểu về kiến thức, kỹ năng cần trang bị cho HS, HS biết được cái đích tối thiểu để phấn đấu, rèn luyện, là căn cứ để ra đề kiểm tra, đánh giá phù hợp với yêu cầu dạy và học. Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), việc dạy và học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng sẽ tạo ra sự thống nhất về mục tiêu và kết quả giữa quá trình dạy học của GV, quá trình học tập của HS và quá trình đánh giá kết quả học tập. Vì thế, để việc học tập, ôn luyện đạt kết quả cao, các nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, tập trung vào những kiến thức, kỹ năng cơ bản nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng nhận thức của HS.
Tuy nhiên, mỗi trường, mỗi lớp lại có nhiều đối tượng HS với trình độ, khả năng nhận thức khác nhau nên việc tổ chức dạy - học để đạt theo chuẩn cũng khác nhau, khó khăn nhất là ở những nơi có "đầu vào" thấp. Dù nhiều ý kiến khẳng định việc ôn tập hai môn lịch sử và địa lý cho HS trong 2 tháng để đạt điểm trung bình là không quá khó như với các môn tự nhiên bởi không nhiều yêu cầu phải hệ thống hóa kiến thức, song theo các GV trực tiếp đứng lớp, hiệu quả ôn tập còn phụ thuộc vào phương pháp dạy và học. Việc thay đổi chất lượng dạy - học không thể làm được trong khoảng thời gian ngắn mà cần cả quá trình với sự nỗ lực của cả GV, HS. Vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên, việc "ốp" HS học từ sáng tới tối ở một trường THPT dân lập nọ đã khiến dư luận bức xúc bởi đó không phải là biện pháp hữu hiệu mà thậm chí còn phản khoa học. Cách làm phổ biến ở khá nhiều trường hiện nay là phân loại HS hoặc chia nhỏ lớp theo trình độ, tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra để kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy - học cho phù hợp với từng đối tượng HS.
Chỉ được làm một phần tự chọn
Quy chế thi tốt nghiệp THPT với 17 điểm vừa được Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung áp dụng cho kỳ thi năm nay được đánh giá là tạo nhiều thuận lợi cho HS. Theo đó, thay bằng việc phải làm phần đề riêng tương ứng theo chương trình được học (chương trình chuẩn hoặc nâng cao), thì năm nay, đối với phần tự chọn, HS chỉ được làm một trong hai phần tự chọn. Tuy nhiên, nếu HS làm cả hai phần tự chọn thì sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm cả hai phần tự chọn. Việc điều chỉnh này được dự kiến sẽ giúp HS tránh được nhầm lẫn đáng tiếc từng xảy ra như năm trước, tạo thuận lợi cho các em khi quyết định làm phần tự chọn phù hợp với khả năng của mình để có thể đạt điểm cao nhất.
Một trong những vấn đề khiến dư luận quan tâm hiện nay là trên thị trường có quá nhiều loại sách tham khảo phục vụ ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Ý kiến của hiệu trưởng nhiều trường cho rằng, GV từng bộ môn nên giúp HS thẩm định từng loại sách cho phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng để đạt kết quả tốt và tránh lãng phí.
Để việc ôn tập có hiệu quả, ngoài việc bố trí thời gian học tập hợp lý, theo các GV có kinh nghiệm, HS nên quan tâm đến phương pháp học tập, vì yêu cầu nắm vững kiến thức không chỉ là học thuộc lòng mà phải có kỹ năng tư duy phù hợp với bộ môn và có thể vận dụng vào thực tế, nhất là với những môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Làm được điều ấy sẽ giúp HS giải quyết tốt các yêu cầu của đề bài, đặc biệt là với những đề bài ra theo hướng mở.
Một số điều học sinh cần nhớ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức vào các ngày 2, 3 và 4-6-2010. - Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. - Thí sinh tự do cũng phải thi đủ các môn thi, theo nội dung thi, hình thức thi như đối với HS đang học lớp 12. - HS cần nhớ, nếu mang theo tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi hoặc các phương tiện thu, phát thông tin không có trong quy định vào phòng thi thì dù sử sụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi. - Các vật dụng được phép mang vào phòng thi: bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình (các vật dụng này không được gắn linh kiện điện tử); máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlát địa lý Việt Nam đối với môn địa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành) không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.