(HNM) - Sau hơn 3 tháng thực hiện, Nghị quyết 11/CP (24-2-2011) của Chính phủ, có thể khẳng định được một số kết quả bước đầu: Kiểm soát tốt thị trường vàng, ngoại tệ; dự trữ ngoại hối tăng; tỷ giá ổn định...
Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tăng "nóng" ở một số ngân hàng kéo theo lãi suất cho vay đã trở thành vấn đề "nóng" có thể dẫn tới những hậu quả khó lường cho nền kinh tế. Vì thế, ngành chức năng cần sớm có biện pháp hữu hiệu để ổn định thị trường tiền tệ.
Giao dịch với khách hàng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương. Ảnh: Đàm Duy
Theo nhiều chuyên gia tài chính, có nhiều nguyên nhân khiến cho lãi suất huy động bị đẩy lên cao. Trước hết là lượng cung tiền trong thời gian qua thấp, không đủ bù trượt giá. Một số ngân hàng (NH) gặp khó khăn về thanh khoản, nhất là các NH nhỏ, nên đã lách luật đẩy lãi suất lên cao. Các NH lớn sợ mất khách hàng cũng tăng lãi suất theo. NH nhỏ vì thế không giành được khách hàng lại tiếp tục đẩy lãi suất cao hơn, NH lớn lại "rượt đuổi" và cứ thế thành cái vòng xoáy luẩn quẩn. Chưa kể nợ cho vay bất động sản không thu hồi được do thị trường trầm lắng... Tình trạng này đang gây ra những khó khăn cho nền kinh tế: sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu đình đốn vì thiếu vốn. Lãi suất quá cao khiến các doanh nghiệp (DN) không dám vay để đầu tư, mà duy trì hoạt động cầm chừng, hoặc chuyển sang gửi tiền NH. DN không huy động được vốn trên thị trường chứng khoán vì người dân gửi tiết kiệm ở NH lợi hơn mua cổ phiếu. Mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, ổn định việc làm vì thế cũng bị đe dọa. Về lâu dài, hàng hóa sản xuất trong nước sẽ khan hiếm, giá cả sẽ tăng cao, tạo điều kiện cho hàng ngoại nhập khẩu, dẫn đến cán cân thương mại thâm hụt, cung-cầu ngoại tệ mất cân đối, tỷ giá mất ổn định... Với lãi suất cao như hiện nay, người dân gửi tiền vào NH được hưởng lợi sẽ tiêu dùng nhiều hơn, từ đó không những không hạn chế tiêu dùng, mà lại kích thích tiêu dùng, đẩy lạm phát tăng thêm.
Để đưa thị trường tiền tệ ổn định trở lại, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NH Nhà nước cần can thiệp qua thị trường liên NH, dùng các công cụ tái cấp vốn, tái chiết khấu để bảo đảm thanh khoản cho các NH thương mại.
Thị trường liên NH đang là nơi các NH ép nhau, đẩy lãi suất lên cao do thiếu sự can thiệp của ngành chức năng. Có một thực tế đang diễn ra là lãi suất huy động VND ở một số NH, trong đó không chỉ có các NHTM cổ phần ngoài nhà nước, mà còn có các NHTM nhà nước đã lên đến mức hơn 20%. Như vậy, có thể thấy, quy định lãi suất trần 14% không có hiệu quả. Đã đến lúc ngành chức năng cần nghiên cứu để sớm đưa ra quyết định có nên bỏ quy định này hay không? Cần tìm rõ căn "bệnh" mới phát sinh của thị trường thì việc "trị" bệnh mới có kết quả. Đặc biệt, cần rà soát, khoanh vùng và xử lý các NH nhỏ bị mất khả năng thanh toán...
Trên thực tế tình hình kinh tế hiện nay vẫn đang gặp khó khăn, một phần do tác động bên ngoài, một phần do cơ chế điều hành và do yếu tố nội tại của nền kinh tế. Nghị quyết 11 yêu cầu dừng trang bị mới xe ô tô, nhưng Bộ Tài chính lại ra văn bản cho thay đổi giá mua sắm, tạo ra những nghi ngờ việc thực thi trong dư luận xã hội. Các quy định về "thắt chặt" cũng cần rõ hơn, chẳng hạn quy định cắt giảm những lễ hội quá tốn kém, những cuộc hội họp, những phong trào mang tính hình thức... Có như vậy mới có thể đạt mục tiêu cắt giảm và giảm 97.000 tỷ đồng trong lĩnh vực đầu tư công, đồng thời việc thực hiện Nghị quyết 11/CP mới đạt hiệu quả cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.