(HNM) - Câu chuyện lương hưu có nguy cơ bị hạ, trong khi độ tuổi nghỉ lại được nâng lên đang làm "nóng" dư luận tuần qua.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu như năm 1996 có 217 người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho một người hưởng lương hưu thì năm 2012, con số này chỉ còn 9,3 người; thêm vào tuổi nghỉ hưu sớm, thời gian hưởng lương hưu dài (số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm)..., đang dẫn tới nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH do quá chênh lệch giữa chi và thu. Thậm chí, trong tương lai không xa, nguồn quỹ này sẽ cạn kiệt, mất khả năng chi trả.
Rất nhiều vấn đề đã được các nhà quản lý đưa ra, một dự thảo luật cũng đang được hình thành (Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi) với nhiều quy định, trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức (62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ).
Cũng theo dự thảo này, lương hưu của khu vực nhà nước sẽ lấy mức bình quân đóng BHXH của cả quá trình để tính, thay vì 10 năm cuối cùng của quãng đời làm việc như hiện nay... Tóm lại, người lao động phải đi làm với thời gian dài hơn và hưởng lương hưu thấp hơn.
Nhiều nhà quản lý cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu để cân đối Quỹ BHXH là phù hợp với tuổi thọ trung bình tăng lên của người Việt Nam, phù hợp với xu thế của thế giới... Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến khác như tăng tuổi nghỉ hưu chỉ có thể kéo dài sự tồn tại của Quỹ BHXH chứ không thể duy trì bền vững nguồn quỹ này. Nguyên nhân chính khiến Quỹ BHXH Việt Nam rơi vào cảnh thu chi chật vật là tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp không được giải quyết triệt để.
Theo một con số thống kê, số doanh nghiệp đang hoạt động (theo cơ quan thuế) là gần 400.000, nhưng chỉ có khoảng 150.000 doanh nghiệp tham gia BHXH, như vậy, có tới 50-75% doanh nghiệp đang trốn đóng bảo hiểm. Chưa kể tình trạng doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động theo kiểu hình thức (dựa trên mức lương tối thiểu của Nhà nước chứ không dựa trên thu nhập thực tế), rồi việc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm... Ước tính con số này lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng (có thống kê cho rằng khoản này bằng khoảng 1/3 số thu quỹ hiện nay)... Cũng theo các cơ quan chức năng, tính tới tháng 4-2014, Quỹ BHXH đang bị nợ tới 11.000 tỷ đồng (khoảng 7.400 tỷ đồng nợ BHXH, 500 tỷ đồng nợ bảo hiểm thất nghiệp và 3.100 tỷ đồng là nợ bảo hiểm y tế). Tổng các khoản, Quỹ BHXH bị hụt khoảng 91.000 tỷ đồng, bằng tới 60% số thu mỗi năm, tương ứng khả năng trả lương hưu cho hàng triệu người già hiện nay.
Từ những vấn đề nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng: Quỹ BHXH chỉ ổn định khi cơ quan chức năng đưa ra được giải pháp làm tăng được số lượng người đóng BHXH bắt buộc và đối phó hiệu quả với hành vi trốn đóng BHXH, chiếm dụng BHXH ... Việc bảo đảm sự bình đẳng trong thụ hưởng chế độ giữa các đối tượng tham gia, góp phần cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn là cần thiết, nhưng cũng có một thực tế là lương hưu ở Việt Nam không cao và rất nhiều người đang phải sống chật vật với đồng lương đó. Việc kéo dài tuổi hưu cũng cần được xem xét một cách cẩn trọng bởi không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người lao động mà còn có thể tạo ra nhiều hiệu ứng xã hội khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.