Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ổn định là điều kiện tiên quyết giúp niềm tin trở lại và thời cơ sẽ đến

Vương Tuấn Anh| 15/12/2013 05:58

(HNM) - Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 cho thấy, kinh tế Việt Nam đã tập trung giải quyết được những việc lớn. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và bước đầu tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu ngân hàng, bội chi ngân sách đang là những "rào cản" không nhỏ ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế đất nước.



Để làm rõ vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Kiên định với mục tiêu

- Là chuyên gia kinh tế, ông có thể cho biết những điểm chính trong chính sách vĩ mô thời gian qua của Việt Nam?

- Kể từ khi có Nghị quyết 11/NQ-CP từ đầu năm 2011 đến nay, chính sách kinh tế Việt Nam đã chuyển hướng mạnh và kiên định là ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc kinh tế cũng bắt đầu được khởi động. Những động thái này xuất phát từ nhận thức là chất lượng tăng trưởng ngày càng thấp và nền kinh tế trở nên dễ tổn thương do những yếu kém và mất cân đối vĩ mô. Mô hình tăng trưởng cơ bản dựa trên bành trướng tín dụng, đầu tư, chi phí giao dịch cao, nhiều thị trường như đất đai, vốn… còn bất ổn định; cùng với đó là lạm phát, thâm hụt, ngân sách lớn, nợ công gia tăng… Chính sách vĩ mô thắt chặt, cải cách cơ cấu phải đẩy lên. Tăng trưởng kinh tế bị hẫng hụt, phí tổn phải trả cho những sai lầm chính sách trước đó là không tránh khỏi.

TS Võ Trí Thành.


- Vậy những nỗ lực trong việc thực hiện cải cách các chính sách thời gian qua của Chính phủ là gì, thưa ông?

- Thời gian qua, Chính phủ đã có những động thái rất tích cực nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế. Hiện nay, lãi suất huy động không còn dư địa để giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn có cơ hội để giảm ít nhiều. Chương trình tái cấu trúc kinh tế, tái cơ cấu Vinashin, Vinalines, thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) để xử lý nợ xấu… cũng đang được tiến hành. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn tiếp tục lộ trình hội nhập kinh tế ASEAN, đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán Hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác như Liên minh Châu Âu, Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan... Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, mọi việc có cái làm được nhiều, có cái làm được ít, có vấn đề mới đề ra được nguyên tắc, song đều đang dang dở. Chúng ta đang mong muốn 4 điều nhưng không dễ thực hiện là: Vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý để bảo đảm an sinh xã hội, vừa muốn tái cấu trúc nền kinh tế và hội nhập ngày càng sâu rộng.

- Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 của Chính phủ cũng chỉ ra rằng, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Phải thừa nhận, trong nhiều năm qua chúng ta vẫn phải đối phó với “căn bệnh” bất ổn kinh tế; không chỉ lạm phát cao mà những cân đối lớn như xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán quốc tế, tiết kiệm đầu tư, thu chi ngân sách bị thâm hụt lớn khiến khả năng chống đỡ với những tác động bất lợi từ bên ngoài là rất yếu. Mặc dù hệ số tín nhiệm tài chính của Việt Nam được cải thiện trong những tháng gần đây nhưng vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô còn mong manh. Niềm tin vào ổn định chưa vững. Ngân sách rất khó khăn. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện, song rủi ro tài chính còn khá lớn, nợ xấu mới chỉ được bắt đầu xử lý. Vì vậy, Chính phủ vẫn cần quyết tâm ổn định vĩ mô, mặc dù có thể có linh hoạt trong điều hành.

Với tinh thần là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần thực hiện đầy đủ, có hiệu lực các giải pháp trong Nghị quyết 02/NQ-CP từ đầu năm như hạ lãi suất, xử lý nợ xấu, giãn - giảm - miễn thuế, triển khai quyết liệt và hiệu quả gói 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội… Tuy nhiên, có vẻ gánh nặng đang đặt vào các giải pháp tiền tệ, thiếu sự phối hợp cần thiết với chính sách tài khóa (điều này cũng dễ hiểu, một phần do ngân sách đang rất khó khăn).

Thời khắc quan trọng

- Theo ông, liệu thời điểm này có phải là giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam?

- Theo dự báo kinh tế thế giới vẫn phục hồi chậm, rủi ro bất định cao trong vài năm nữa, thậm chí đến năm 2017. Do đó, đối với kinh tế Việt Nam nhiều khả năng cũng chỉ là phục hồi dần trong 2 năm tới. Nhiều dự báo gần đây cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam xoay quanh 5,3-5,4% năm 2014 và khoảng 5,6-5,8% năm 2015 (thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra năm 2014 là 5,8% và năm 2015 là khoảng 6%). Chúng ta đã nhìn ra vấn đề và hướng đi. Tuy nhiên, nếu không thay đổi mạnh mẽ ngay từ hôm nay thì chúng ta vẫn cứ phát triển “làng nhàng” mãi, thậm chí là tụt hậu, bởi rủi ro còn cao. Hiện nay là thời điểm cực kỳ then chốt đối với Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần phải cải cách, tái cấu trúc mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

- Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị nâng trần bội chi ngân sách năm 2013 và 2014. Nguyên nhân của vấn đề này là gì, thưa ông?

- Không phải ngẫu nhiên, Chính phủ đề nghị được nâng trần bội chi ngân sách. Bởi năm nay, mục tiêu bội chi ngân sách là 4,8% nhưng đến 9 tháng đã thâm hụt khoảng 5,4% GDP. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội nâng trần bội chi năm 2014 từ 4,8% lên 5,3% GDP cùng việc tăng thêm phát hành trái phiếu (160.000 tỷ đồng) trong ba năm 2014-2016 nhằm giải quyết khó khăn chi ngân sách, hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Bản chất là để có thể đạt được tỷ lệ đầu tư so với GDP ít nhiều trên 30% GDP (tỷ lệ đầu tư này đã giảm mạnh từ trên 40% trong nhiều năm trước còn 30% năm 2013), qua đó có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế tốt hơn. Song việc nâng trần bội chi và phát hành thêm trái phiếu cần phải có mục tiêu trung hạn cụ thể, cam kết rất rõ ràng về kỷ luật ngân sách và lộ trình giảm dần bội chi ngân sách cho những năm tiếp theo. Cũng phải có đánh giá đầy đủ tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, nợ công và xem xét trong sự phối hợp với chính sách tín dụng, tỷ giá. Đặc biệt phải bảo đảm hiệu quả của các chương trình đầu tư công.

- Đối với vấn đề nợ xấu ngân hàng, theo ông chúng ta cần phải giải quyết theo hướng nào?

- Có thể thấy, nợ xấu cao là kết cục của chính sách vĩ mô vốn theo đuổi tăng trưởng “bằng mọi giá”, công tác giám sát tài chính lỏng lẻo, quản trị rủi ro yếu kém, và cả cách “ăn xổi, đầu cơ” của không ít doanh nghiệp. VAMC cũng chỉ là một công cụ, dù tích cực, trong tổng thể giải pháp xử lý nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ gây phí tổn không nhỏ, nhưng nếu không xử lý thì phí tổn đối với nền kinh tế còn lớn hơn. Vấn đề ở đây là chủ sở hữu ngân hàng phải trả giá cho kết cục yếu kém của mình. Và việc can thiệp của Nhà nước có thể là cần thiết, song phải nỗ lực để tối thiểu hóa chi phí can thiệp đó.

Tìm lối đi cho doanh nghiệp

- Để giảm nợ xấu hiện nay, theo ông doanh nghiệp cần quan tâm đến những điều gì?

- Tôi cho rằng, để giảm nợ xấu doanh nghiệp cần quan tâm tới quản trị tài chính, đặc biệt là tài sản hay giá trị và dòng tiền hay thanh khoản. Thanh khoản cao nhất của tài sản tài chính Việt Nam là tiền đồng, thứ hai là đôla, thứ ba là vàng, thứ tư là cổ phiếu, thứ năm là trái phiếu, thấp nhất là bất động sản. Tài sản chỉ thực sự có giá trị khi phải gắn với dòng tiền. Đây là thước đo để đánh giá tình trạng kinh doanh của một doanh nghiệp hay một dự án. Khi người ta hy vọng tạo ra dòng tiền lớn nhờ đòn bẩy tài chính tạo tài sản gấp 10 lần thì cũng tức là đã tạo ra một sự ràng buộc, với mức độ rủi ro cao hơn 10 lần, mà đổ vỡ nhỏ ở một khâu có thể dẫn đến sụp đổ.

- Ông có thể cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta có thể tiếp cận với những loại vốn nào trên thị trường?

- Hiện nay trên thị trường tài chính về cơ bản có 3 loại vốn. Một là vốn trái phiếu - dòng vốn này doanh nghiệp nhỏ và vừa rất ít có cơ hội tiếp cận vì nguyên tắc là phải có đủ quy mô và uy tín. Tiếp đó là cổ phiếu và tín dụng thì doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tiếp cận. Nhưng mỗi kênh có một rủi ro khác nhau. Trong tiếp cận vốn có điều đáng lưu ý là việc ngân hàng và cả doanh nghiệp đặt quá nặng vào tài sản có thể thế chấp để cho vay và đi vay. Hiện nay đã có một số ngân hàng cho vay dựa vào dòng tiền mà doanh nghiệp có khả năng tạo ra. Tất nhiên, để làm việc này, quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp phải thực sự gắn kết. Phải nhìn nhận việc cho vay và đi vay như một kết nối, đồng hành cùng sự phát triển.

- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang vừa phải cạnh tranh quyết liệt, vừa phải “sống chung” với khủng hoảng kinh tế, vậy theo ông cần phải có cách ứng xử như thế nào để tồn tại và phát triển?

- Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đã gặp không ít thách thức phải vượt qua như thiếu vốn, thiếu kỹ năng, công nghệ. Đó là những vấn đề có tính muôn thuở đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi chỉ nói thêm một số vấn đề. Trước hết là học cách giảm thiểu sự bất định trong một thế giới còn đầy bất định, qua thu thập thông tin chọn lọc, qua sử dụng công cụ phái sinh, qua biết chơi bảo hiểm… Tiếp đó là học kết nối trong một thế giới hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, công nghệ đang dịch chuyển rất nhanh và kinh doanh theo trong mạng, chuỗi giá trị đã nổi trội. Nắm thông tin, biết chia sẻ và chân thành là chìa khóa cho kết nối. Cuối cùng là biết tạo lợi thế nhờ qui mô dù mình chưa lớn. Kết nối và công nghệ thông tin có vai trò quyết định ở đây. Lối tư duy và cách học hỏi đó cùng với quản trị tài chính chính là “cửa thoát hiểm” cho các doanh nghiệp hiện nay, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Biện pháp để giải quyết những vấn đề còn dang dở trong tiến trình hỗ trợ các doanh nghiệp hiện nay là gì, thưa ông?

- Theo tôi, để có được những kết quả thực sự, trong điều hành của mình, thông điệp mà nhà hoạch định chính sách đưa ra phải rõ ràng, nhất quán và phải được thể hiện trên thực tế về sự nhất quán của chính sách. Thông điệp bây giờ phải là ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định sẽ là điều tiên quyết giúp niềm tin của nhà đầu tư trở lại và thời cơ sẽ đến. Khi ổn định được thì dư địa chính sách sẽ lớn hơn và theo dư địa đó, chúng ta có thể có những chính sách uyển chuyển hơn trong việc hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó là cải thiện năng lực giải trình, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Chính phủ. Trong cuộc họp của Chính phủ gần đây, tôi có phát biểu là: Đối với ổn định kinh tế vĩ mô thì phải kiên trì và nhất quán; đối với phục hồi tăng trưởng thì đừng quá vội vã; và đối với cải cách thì phải quyết liệt và mạnh mẽ. Cơ hội đi lên của nền kinh tế đã hiện hữu, nhưng không dễ dàng.

- Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ổn định là điều kiện tiên quyết giúp niềm tin trở lại và thời cơ sẽ đến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.