Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ổn định giá cả thị trường: Giảm chi phí trung gian

Hương Ly| 31/12/2013 06:08

(HNM) - Năm 2013 khép lại với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức tăng 6,04% so với tháng 12-2012, hoàn thành chỉ tiêu do Chính phủ giao từ đầu năm...



Đây là những nội dung được nêu tại hội thảo "Diễn biến giá cả thị trường năm 2013 và dự báo 2014" do Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá tổ chức ngày 30-12 tại Hà Nội.

Năm 2013, việc điều hành giá điện vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Ngọc Hà


Vẫn còn nhiều khiếm khuyết

Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, chỉ số CPI cả nước tháng 12-2013 chỉ tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức 8% được Quốc hội thông qua, là mức tăng CPI thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhìn lại toàn cảnh năm qua có thể thấy, thị trường đã cơ bản tuân theo quy luật chung hằng năm. Sau 2 tháng đầu năm CPI có tốc độ tăng khá cao, lần lượt là 1,25% và 1,32% do thời điểm Tết Nguyên đán, giá thị trường đã dần đi vào ổn định. Mức tăng cao nhất rơi vào các nhóm: thuốc và dịch vụ y tế (tăng 18,97%), giáo dục (tăng 11,71%). Tuy nhiên, do giá lương thực, nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tính CPI lại giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 7 và chỉ tăng 5,08% trong năm đã góp phần giúp kiềm chế CPI ở mức thấp.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất là những bất cập còn tồn tại trong việc điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước kiểm soát giá như: xăng dầu, điện và cước viễn thông. Thực tế, giá xăng dầu với 11 lần điều chỉnh trong năm đã giúp việc điều hành mặt hàng này bám sát diễn biến giá thị trường. Tuy nhiên, tình trạng giá xăng "giảm ít, tăng nhiều" vẫn không bớt. Theo bà Hiền, đợt tăng giá "khó hiểu" ngày 28-3 và đợt "giảm nhỏ giọt" ngày 18-4 đã thể hiện khiếm khuyết trong việc điều hành thị trường bán lẻ xăng dầu. Với giá điện, mặc dù người tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ trong việc điều chỉnh giá sát với thị trường song dư luận cũng mong ngành điện sẽ công khai, minh bạch và kiểm toán rõ ràng trong việc hạch toán giá điện.

Các chuyên gia cũng chỉ ra sự bất cập khi giá hàng hóa, dịch vụ độc quyền tăng khá mạnh còn giá hàng tiêu dùng thông thường, đặc biệt là nông sản lại có mức tăng thấp (trên dưới 1% mức tăng chung của mặt bằng giá là 6,04%). Nhiều sản phẩm có mức tăng giá thấp hơn lạm phát, đồng nghĩa với việc người sản xuất không thu được lợi nhuận đủ để tái sản xuất. Tình trạng nông dân bỏ ruộng đã cho thấy một "góc tối" của thị trường nông sản, đòi hỏi các ngành chức năng cần sớm tìm ra giải pháp để hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp vốn được coi là chỗ dựa của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.

Phải có "nhạc trưởng" đủ sức

Về diễn biến giá cả năm 2014, giới chuyên gia dự đoán khó khăn kinh tế vẫn tiếp diễn và nguy cơ tăng giá, đẩy lạm phát tăng cao vẫn luôn tiềm ẩn. PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, mặc dù CPI đang trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ tăng giá vẫn tiềm ẩn. Bên cạnh thành tựu về kiềm chế lạm phát ở mức thấp vẫn hiển hiện nỗi lo về tình trạng sản xuất đình đốn, đời sống của người dân khó khăn. Thực tế này cho thấy, bản chất của việc CPI giảm là do tổng cầu yếu chứ không phải do năng suất, chất lượng trong sản xuất kinh doanh được nâng lên, giúp chi phí sản xuất và giá thành hạ.

Với tâm huyết xây dựng một hệ thống phân phối, lưu thông hàng hóa minh bạch, bảo đảm quyền lợi DN và người tiêu dùng, qua đó giúp kiểm soát giá thị trường, Chủ tịch Hội siêu thị TP Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, cần sớm xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế nói chung và kinh tế thương mại nói riêng bao gồm: Đường giao thông, bến cảng, sàn giao dịch hàng hóa, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, tuyến phố kinh doanh. Đây là cơ sở vững chắc để hoạt động giao dịch thương mại trở nên minh bạch, giảm bớt chi phí trung gian và hạn chế tình trạng người sản xuất bị ép giá, không có lợi nhuận; người tiêu dùng lại phải chịu giá cao một cách vô lý, còn lợi nhuận về giá lại rơi vào các tầng nấc trung gian. Mục tiêu của vấn đề này là xây dựng một số chuỗi hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, năng lượng, thuốc chữa bệnh và đưa hàng hóa đi thẳng từ nơi sản xuất đến nơi bán lẻ, hạn chế triệt để những khâu trung gian không cần thiết. Đặc biệt, cần xây dựng các tập đoàn kinh tế đủ mạnh, đóng vai trò "nhạc trưởng" và đủ sức dẫn dắt thị trường nhất là khi có biến động về giá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ổn định giá cả thị trường: Giảm chi phí trung gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.