(HNMCT) - Ngày 23-7 tới, Olympic Tokyo 2020 chính thức khai mạc. Đã có không ít câu hỏi về sự an toàn trong việc tổ chức Olympic Tokyo 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, và giờ đây, khi Olympic đã ở trước mắt, đó vẫn là câu hỏi khó dù nước chủ nhà đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể.
Nhiều giải pháp chưa từng có tiền lệ
Những làn sóng dịch Covid-19 trên thế giới đang thách thức khả năng tổ chức Olympic Tokyo 2020, dự kiến có 18.000 HLV, VĐV, quan chức cùng khoảng 7.000 tình nguyện viên tham dự. Bây giờ, câu hỏi không phải là có tổ chức Olympic Tokyo 2020 hay không như cách đây hơn nửa năm, mà là sẽ tổ chức như thế nào?
Trong hàng loạt giải pháp đưa ra, Ban tổ chức Thế vận hội (BTC) đã chứng tỏ đang nỗ lực hết mình để sự kiện thể thao lớn nhất thế giới diễn ra trong an toàn. Gần đây nhất, BTC thông báo, sự kiện thể thao này sẽ diễn ra mà không có khán giả, dù là diễn ra tại Tokyo hay các tỉnh Chiba, Kanagawa, Saitama. Tuy nhiên, các tỉnh Fukushima, Miyagi và Shizuoka vẫn đón khán giả với số lượng tối đa 10.000 người. Tỉnh Ibaraki thì chỉ cho phép khán giả là sinh viên...
Đây là một quyết định chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Olympic, được đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Nhật Bản vẫn diễn biến phức tạp. Trước đó, cũng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, BTC đã tính tới việc chỉ cho tối đa 10.000 người đến xem các cuộc đấu của Olympic. Trong khi đó, khán giả nước ngoài cũng không được phép góp mặt. Những giải pháp này được dự báo sẽ khiến BTC mất đi nguồn thu hàng tỷ USD, bao gồm tiền bán vé, doanh thu từ du khách nước ngoài.
Các thành viên tham dự Olympic cũng phải chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo. Trong thời gian ở Nhật Bản, việc xét nghiệm Covid-19 sẽ được tiến hành mỗi ngày; các VĐV được theo dõi một cách chặt chẽ về mặt y tế. Họ sẽ phải được cấp phép nếu muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng; không được đến phòng tập thể dục, khu du lịch, cửa hàng, nhà hàng hoặc quán bar. Họ cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang mọi lúc, trừ khi thi đấu, tập luyện, ăn uống, ngủ nghỉ... Các VĐV có thể buộc phải rời Olympic nếu vi phạm các nguyên tắc phòng dịch...
Rõ ràng, Olympic Tokyo tới sẽ là kỳ Thế vận hội có nhiều quy định chưa từng có tiền lệ. Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach đã khẳng định sự ủng hộ đối với mọi biện pháp ứng phó cần thiết vì một kỳ Olympic an toàn.
Thể thao Việt Nam không đứng ngoài cuộc
Đương nhiên, chuyến thi đấu sắp tới tại Olympic Tokyo cũng là chuyến thi đấu đặc biệt nhất của thể thao Việt Nam trong lịch sử các kỳ tham dự Olympic. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và thế giới, trong đó có Nhật Bản, công tác phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho các thành viên được đặt lên hàng đầu.
Từ khi bùng phát các đợt dịch Covid-19 tại Việt Nam, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia luôn ở trong tình trạng cấm trại. Ngay trong đợt dịch thứ tư này tại Việt Nam, các VĐV đội tuyển quốc gia, nhất là những VĐV đã giành suất dự Olympic luôn được lưu ý về các biện pháp phòng, chống dịch.
Cuối tuần qua, các thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn tất tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19. Trong thời gian qua, các VĐV cũng được trang bị kiến thức về sổ tay y tế, các thủ tục y tế và hướng dẫn cài đặt phần mềm kiểm tra sức khỏe theo yêu cầu nhập cảnh của Nhật Bản... VĐV Quách Thị Lan (đội tuyển điền kinh) kể rằng, cô và các VĐV khác dự Olympic Tokyo 2020 đang tập trung ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã được trang bị đầy đủ kiến thức về y tế để không phạm phải sai lầm đáng tiếc trong phòng, chống dịch trong suốt thời gian ở Nhật Bản.
Còn Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn nhấn mạnh, đây là một kỳ Olympic đặc biệt nhất từ trước đến nay. Dịch Covid-19 đã làm thay đổi kế hoạch tổ chức của nước chủ nhà cũng như công tác chuẩn bị của các đoàn thể thao ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, các thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam cần phải khắc phục khó khăn để công tác chuẩn bị đạt hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đại diện Tổng cục Thể dục thể thao cũng cho hay, phía Việt Nam đã nhận được thông tin cần thiết từ BTC như các thành viên trong đoàn chỉ được phép đi đến các địa điểm trong danh sách cho phép của BTC (chủ yếu là các địa điểm ăn, ở, thi đấu, tập luyện). Bên cạnh đó, tất cả xác định tinh thần để làm xét nghiệm hằng ngày trong 3 ngày trước khi lên đường và cách ly trong 3 ngày đầu đến Nhật Bản. Trong thời gian này, các thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam phải hạn chế tối đa việc di chuyển.
Không chỉ với BTC nước chủ nhà Nhật Bản, việc có một chuyến thi đấu an toàn cũng là mục tiêu lớn nhất của Đoàn thể thao Việt Nam khi tham dự Olympic Tokyo 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.