Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ối giời ơi”, cơ chế!

Hoàng Thu Vân| 30/05/2010 06:13

(HNM) - Mới đây, 19 lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Trường ĐH Kỹ thuật Tổng hợp Bauman (Liên bang Nga) theo Đề án 322 đã gửi thư về "cầu cứu" Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vì đã 5-6 tháng rồi chưa nhận được kinh phí và tình trạng trên không phải "đột xuất" mà thường xuyên xảy ra.

Xin lưu ý, 322 là tên đề án của Chính phủ đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước. Thực hiện đề án này, theo dự kiến mỗi năm sẽ có 400 suất học bổng, trong đó đào tạo trình độ tiến sĩ là 200, 100 đào tạo thạc sĩ, 40 học bổng bậc ĐH và 60 thực tập sinh khoa học. Về cơ bản là như vậy. Có nghĩa là những người đi học ở nước ngoài theo đề án này được Nhà nước lo kinh phí để họ (những người đã được lựa chọn) có thể yên tâm học tập.

Thế nhưng…

Dù mức sinh hoạt phí theo quy định còn nhiều bất cập (cụ thể là không phù hợp với giá cả thị trường), song điều bức xúc hơn là 19 lưu học tại Liên bang Nga phản ánh không bao giờ nhận được học bổng đúng thời hạn. Do đó, các em ngồi học với cái dạ dày lép kẹp mà không dám kêu ca gì vì ngại gia đình lo lắng. Một số lưu học sinh cho biết, nhiều khi đi đường hay đi lên trường mà trong túi không còn một đồng nào. Sáng dậy chưa ăn gì lên đến lớp, đến giờ ăn trưa cũng không có tiền đi ăn. Ngồi trong lớp học mà bụng đói meo, nhìn các bạn người nước khác đi ăn còn mình lủi thủi ngồi trong góc tường mà tủi thân...

Các cụ xưa vẫn dạy "có thực mới vực được đạo", nên không lẽ các em bỏ học để kiếm tiền lo cho sự tồn tại? Và theo các lưu học sinh, khoản trợ cấp cho mỗi đầu người là 400 USD/tháng, trừ tiền thuê nhà, phí chuyển tiền, tiền bảo hiểm... các em còn lại hơn 200 USD để lo cho những sinh hoạt cấp thiết nơi "đất khách quê người". Tuy nhiên để có số tiền trên trong tay lại là cả một vấn đề.

Về chuyện này, khi được hỏi, một số người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT lý giải rằng có một số điểm chưa thống nhất về phương thức chuyển tiền; đầu mối nhận tiếp nhận kinh phí chưa rõ (người đại diện của các lưu học sinh hay cơ quan đào tạo); cách thức phối hợp theo dõi kết quả học tập của lưu học sinh (lưu học sinh chỉ được cấp kinh phí khi đạt kết quả học tập tốt)... Không lẽ, lưu học sinh của chúng ta - những con người đã được lựa chọn gửi đi đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí của Nhà nước (dù chưa phải đã đáp ứng được toàn bộ phần chi tiêu) - đủ tiêu chuẩn được nhận học bổng mà vẫn bị bỏ đói vì những thủ tục hành chính kiểu vô trách nhiệm như vậy?

Theo báo cáo của 24 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Đề án 30 của Chính phủ về cải cách hành chính đã thực hiện cơ bản xong giai đoạn 2. Cũng theo công bố của nhiều bộ, ngành, địa phương, về mặt kinh tế, hàng nghìn tỷ đồng đã được tiết giảm và quan trọng hơn là môi trường hành chính được cải thiện thông thoáng khi giảm bớt những thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực... Ấy vậy mà trong trường hợp lưu học sinh tại Nga lại cho thấy chẳng có sự cải cách hành chính nào.

Dù người ta viện ra lý do gì nữa thì các quy định đều là do con người đặt ra. Không lẽ, trong khi chờ những bộ phận liên quan đến công tác lưu học sinh Việt Nam du học tại nước ngoài thực hiện việc cải cách… thủ tục của chính họ thì những con em tiêu biểu của chúng ta cứ phải sống và học trong sự cơ cực ở xứ người? Như thế thì những tài năng của đất nước làm sao có thể phát triển? Và có ai còn đủ dũng cảm phấn đấu "được suất" đi học theo Đề án 322?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Ối giời ơi”, cơ chế!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.