(HNM) - Hội đồng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa quyết định mở các cuộc thảo luận về việc gia nhập của 6 nước: Argentina, Brazil, Bulgaria, Croatia, Peru và Romania. Các lộ trình riêng lẻ cho quá trình đánh giá chi tiết hơn dự kiến sẽ mất vài năm và đây cũng là cơ hội để các ứng cử viên thúc đẩy cải cách phát triển.
OECD hiện có 38 thành viên, là tổ chức quốc tế thúc đẩy điều phối chính sách và tự do kinh tế giữa các quốc gia phát triển. Mục đích chính của OECD là cải thiện nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy thương mại thế giới. Làm việc với hơn 100 quốc gia, OECD còn là một diễn đàn chính sách toàn cầu nhằm thúc đẩy các chính sách bảo vệ quyền tự do, cải thiện phúc lợi kinh tế và xã hội của mọi người trên khắp thế giới.
Thông cáo báo chí của OECD cho biết, các cuộc thảo luận về mở rộng thành viên được xúc tiến dựa trên khuôn khổ xem xét thành viên tương lai và những tiến bộ mà 6 quốc gia ứng cử viên đạt được kể từ lần đầu yêu cầu gia nhập OECD. Những quốc gia này cần xác nhận việc tuân thủ các giá trị, tầm nhìn và ưu tiên được phản ánh trong Tuyên bố Tầm nhìn kỷ niệm 60 năm OECD và Tuyên bố của Hội đồng Bộ trưởng được thông qua năm 2021. Các tài liệu này tái khẳng định mục tiêu của Công ước thành lập OECD và đặt ra các giá trị được các thành viên chia sẻ, gồm bảo vệ quyền tự do cá nhân, các giá trị dân chủ, pháp quyền, nhân quyền, giá trị của nền kinh tế thị trường mở, bền vững và minh bạch. Các tài liệu cũng đề cập đến cam kết của các thành viên OECD trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm...
Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann lưu ý: “Các thành viên xác nhận rằng OECD là một tổ chức cởi mở, phù hợp toàn cầu và đang phát triển. Tư cách thành viên OECD vẫn là cách trực tiếp và hiệu quả nhất để bảo đảm việc áp dụng và phổ biến các giá trị, nguyên tắc và tiêu chuẩn chung của chúng ta trên toàn thế giới”. Ông cũng chỉ ra rằng “các nước ứng cử viên sẽ có thể sử dụng quá trình gia nhập để thúc đẩy cải cách hơn nữa vì lợi ích của người dân, đồng thời củng cố OECD như một cộng đồng cùng chí hướng, cam kết vì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Theo Hãng tin Reuters, OECD cho biết không có thời hạn cho mỗi quốc gia gia nhập và tiến trình của họ sẽ phụ thuộc vào việc tuân thủ các phương pháp tốt nhất của tổ chức, song song với sự đánh giá chuyên sâu và nghiêm ngặt của hơn 20 ủy ban kỹ thuật về sự phù hợp của các quốc gia ứng cử viên với các tiêu chuẩn, chính sách và thông lệ của OECD. Các đánh giá kỹ thuật gồm một loạt các lĩnh vực chính sách và sẽ tập trung vào các vấn đề ưu tiên, gồm thương mại mở và đầu tư, tiến bộ về quản trị công, liêm chính và các nỗ lực chống tham nhũng...
Tổng thống Romania Klaus Iohannis chia sẻ: “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh quyết định của OECD mở các cuộc đàm phán gia nhập với Romania. Chúng tôi vẫn cam kết theo đuổi mục tiêu trở thành thành viên OECD bằng nghị lực và quyết tâm”. Romania chính thức nộp đơn xin gia nhập OECD năm 2004. Bulgaria lần đầu tiên bày tỏ sự sẵn sàng gia nhập OECD vào năm 1992, trong khi Croatia có động thái tương tự năm 1994. Năm 2016, Argentina đã gửi một lá thư chính thức cho OECD, bày tỏ sự quan tâm đến việc bắt đầu quá trình gia nhập tổ chức. Brazil cũng đã chờ đợi nhiều năm để tham gia diễn đàn này. Quốc gia này đang cố gắng thực hiện các bước cuối cùng gồm chấp thuận khung tỷ giá hối đoái mới và cam kết giảm thuế đối với các giao dịch tài chính quốc tế. Brazil cũng đã thành lập một ủy ban đặc biệt để giải quyết các yêu cầu gia nhập OECD.
Hiện chỉ có Chile, Mexico, Colombia và Costa Rica là những quốc gia ở Mỹ Latinh đã tham gia OECD.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin của Brazil cho biết, thời gian trung bình để có thể gia nhập tổ chức có trụ sở tại Paris này là 3-5 năm. Kết quả và tiến trình gia nhập còn phụ thuộc vào khả năng thích ứng và điều chỉnh của mỗi quốc gia ứng cử viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.