(HNM) - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến hết tháng 11 năm 2020, huyện Quốc Oai có 48 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được công nhận từ 3 đến 4 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để Quốc Oai nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân...
Năm 2019, huyện Quốc Oai có 11 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận OCOP. Năm 2020, Quốc Oai tiếp tục có 37 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 đến 4 sao, bao gồm các sản phẩm của Hợp tác xã Nấm, đông trùng hạ thảo Biofine; sản phẩm miến dong Anh Khang, miến dong Trường Hải, miến dong Thảo Chính; bột ngũ cốc dinh dưỡng Min Min - vị truyền thống; các sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã Nông sản thực phẩm Thành An...
Ông Nguyễn Huy Chiều - Giám đốc Hợp tác xã Nấm, đông trùng hạ thảo Biofine (xã Sài Sơn) cho biết: “Lợi ích lớn nhất khi tham gia Chương trình OCOP là giúp chúng tôi nâng cao ý thức trong sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm tốt để cung cấp đến người tiêu dùng. Hiện nay, các sản phẩm nấm và đông trùng hạ thảo của chúng tôi đáp ứng tiêu chí về chất lượng, quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường 6 tấn mộc nhĩ khô, 3 tấn nấm sò và 40kg đông trùng hạ thảo khô, thu hàng tỷ đồng...”.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường khẳng định: “Từ ngày được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm thịt lợn sạch của hợp tác xã đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”... Có được kết quả này là nhờ Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín từ khâu chọn con giống đến giết mổ, sơ chế, đóng gói, đưa đến người tiêu dùng sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Bình quân mỗi tháng, hợp tác xã xuất chuồng 13-15 tấn thịt và sản phẩm chế biến từ thịt lợn như: Xúc xích, giò chả và thịt lợn sinh học; doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin, việc huyện có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm và hướng tới xuất khẩu. Thời gian tới, huyện sẽ rà soát, hỗ trợ vốn cho các làng nghề, hợp tác xã có sản phẩm được công nhận OCOP xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm.
Trước mắt, huyện hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã tham gia chương trình xúc tiến thương mại, liên hệ với một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch về ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, huyện sẽ tổ chức các điểm bán hàng tại trung tâm thị trấn, cụm công nghiệp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến đông đảo nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.