Lúc 9 giờ tối 25/1 (giờ Mỹ, tức 9 giờ sáng 26/1 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc thông điệp liên bang lần thứ hai trước Quốc hội với chủ đề
Trong thông điệp liên bang, Tổng thống Obama nhấn mạnh Mỹ đã "cài đặt lại" quan hệ với Nga, tăng cường quan hệ với các đồng minh ở châu Á và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mới với nhiều nước, trong đó có Ấn Độ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: AP) |
Những quyết sách để tăng trưởng kinh tế
Trong thông điệp liên bang được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Obama khẳng định 5 vấn đề chính mà nước Mỹ sẽ hành động trong năm 2011, gồm: ưu tiên cho các lĩnh vực đổi mới, nghiên cứu-giáo dục, đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm thâm hụt ngân sách liên bang và cải cách chính phủ.
Tổng thống Obama nhấn mạnh những biện pháp nhằm tạo thêm nhiều việc làm, cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hiện ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới.
Đây là nội dung trọng tâm của thông điệp liên bang năm 2011 trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp và không vững chắc. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh nước Mỹ đã vượt qua thời kỳ suy thoái nhờ những nỗ lực được thực hiện trong hai năm qua.
Theo ông, các điều kiện kinh tế trong nước đang được cải thiện so với thời điểm ông nhậm chức, song cũng thừa nhận rằng tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi đồng lương tiếp tục giảm sút là những khó khăn cần tiếp tục giải quyết.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm đáng kể trong những tháng cuối năm 2010, song dường như đây chỉ là con số ảo khi chỉ tính đến những người mất việc đi tìm việc làm mà không tính đến những người không có việc làm nhưng không xin được việc.
Tổng thống Obama khẳng định vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt không phải là sự đối đầu giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa mà chính là những thách thức đến từ các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực thị trường lao động và công nghiệp.
Thông điệp liên bang nêu rõ Nhà Trắng sẽ nỗ lực cân bằng giữa giảm thâm hụt ngân sách liên bang và duy trì lợi thế cạnh tranh, đặt mục tiêu giảm thâm hụt chi tiêu 400 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Trong lĩnh vực năng lượng, ông nhấn mạnh mục tiêu các nhà máy điện của Mỹ sẽ sản xuất được 80% năng lượng sạch vào năm 2035 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm.
Tổng thống Obama nêu rõ trật tự kinh tế thế giới hiện đã thay đổi và nước Mỹ cần phải tiến hành đổi mới để duy trì khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng nước Mỹ vẫn là nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới.
Quyết tâm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ
Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Obama tái khẳng định quyết tâm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ trên toàn cầu, tập trung vào cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cũng như cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời tiếp tục thúc đẩy nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Obama cho biết quân đội Mỹ đang rút khỏi Iraq theo kế hoạch. Trong năm nay, Mỹ sẽ bắt đầu chiến dịch chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho giới chức Afghanistan và vào tháng Bảy tới, Mỹ sẽ bắt đầu rút quân khỏi quốc gia Nam Á này.
Ông đồng thời nhấn mạnh Al-Qaeda đang chịu sức ép lớn chưa từng có ở Pakistan kể từ sau vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, đồng thời khẳng định sẽ "không nương tay, không nao núng và sẽ đánh bại lực lượng khủng bố này."
Về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Obama kêu gọi Triều Tiên thực hiện cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định quan hệ đồng minh với Hàn Quốc. Ông đồng thời hoan nghênh sức ép của nhiều nước đối với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Ông dự định trong tháng Ba sẽ đi thăm Brazil, Chile và El Salvador nhằm tìm kiếm các quan hệ đồng minh mới.
Thông điệp liên bang 2011 của Tổng thống Obama đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người, không chỉ tại Mỹ mà nhiều nơi khác trên thế giới.
Theo các nhà phân tích, thông điệp liên bang năm nay được đánh giá là không có gì mới so với một năm trước bởi nội dung chính vẫn tập trung vào vấn đề kinh tế, việc làm và an ninh của nước Mỹ. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là việc ông kêu gọi các đảng vượt qua bất đồng, "cùng hy sinh" để "chiến thắng tương lai".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.