(HNMO) - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày hôm nay đã nhiệt liệt hoan nghênh thông báo hôm thứ ba (18-6) về các cuộc đàm phán hòa giải mới giữa chính phủ Afghanistan và Taliban...
ở Afghanistan và Mỹ.
Các quan chức Mỹ cho biết, một trong những vấn đề có khả năng nằm trong chương trình nghị sự Mỹ-Taliban sẽ là việc trao trả binh sỹ Mỹ Sgt. Bowe Bergdahl bị Taliban và lực lượng đồng minh Haqqani bắt giữ từ năm 2009.
"Đây là một bước quan trọng đầu tiên hướng tới hòa giải" - Tổng thống Obama nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp François Hollande bên lề hội nghị thượng đỉnh G-8 - "Đây là một bước mà chúng tôi sớm dự đoán sẽ có rất nhiều khó khăn, nhưng tôi nghĩ quan trọng là thực tế các bên có cơ hội để nói chuyện và thảo luận về tương lai của Afghanistan".
Binh sĩ NATO lên một máy bay trực thăng sau buổi lễ bàn giao an ninh bên ngoài thủ đô Kabul, ngày 18-6-2013. |
Mỹ và Taliban sẽ tổ chức các cuộc đàm phán chính thức "trong một vài ngày" trên lãnh thổ quốc gia vùng Vịnh Qatar, nơi Taliban sẽ chính thức mở văn phòng đại diện thứ ba của mình. Các cuộc đàm phán là một phần của nỗ lực ngoại giao nhằm tiến tới sự rút quân của Mỹ vào cuối năm 2014 và đảm bảo đất nước bị chiến tranh tàn phá này không còn có thể trở thành một bàn đạp cho các cuộc tấn công khủng bố như 11-9-2001.
"Một trong những điều mà chúng tôi muốn là các nhóm nổi dậy, trong đó có Taliban, sẽ phải chấp nhận Hiến pháp Afghanistan, từ bỏ mối quan hệ với al-Qaida, kết thúc bạo lực và cam kết bảo vệ phụ nữ và các sắc tộc trong cả nước", Obama nói.
Nhà Trắng công bố các cuộc đàm phán mặt đối mặt ngay khi Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tuyên bố bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình riêng với Taliban ở Qatar, đồng thời kêu gọi các cuộc đàm phán di chuyển tới Afghanistan càng sớm càng tốt. Các tiến trình hòa giải chính trị ở Afghanistan "chắc chắn sẽ phức tạp, kéo dài và gian nan", một quan chức cấp cao Afghanistan nhấn mạnh.
Dự kiến, Washington có thể cử James Dobbins, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao tại Afghanistan và Pakistan, tham dự các cuộc đàm phán.
Dù vậy, trong khi các cuộc đàm phán được kỳ vọng là một bước đầu tiên thuận lợi trên con đường hòa bình, song "không có gì đảm bảo rằng điều này sẽ xảy ra một cách nhanh chóng". "Cốt lõi của tiến trình này sẽ không nằm ở các cuộc đàm phán Mỹ-Taliban. Mà những người có thể giúp thúc đẩy quá trình này, cốt lõi của nó là cuộc đàm phán giữa Afghanistan và Taliban. Thế nhưng thực tế mức độ tin cậy của cả hai bên đang rất thấp, không như người ta kỳ vọng. Vì vậy, nó sẽ là một quá trình khó khăn kéo dài, nếu không có tiến bộ đáng kể ở tất cả các bên". Ông Obama cảnh báo rằng, "chúng ta không lường trước được quá trình này sẽ dễ dàng hay nhanh chóng, nhưng chúng ta phải theo đuổi song song với tiếp cận quân sự". "Mỹ và NATO vẫn cam kết nỗ lực quân sự để đánh bại al-Qaeda và hỗ trợ các lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan", Tổng thống nói thêm.
Khi được hỏi về việc hội nghị có thể thảo luận về việc trao đổi tù binh, một phụ tá cao cấp của Obama cho biết: "Rõ ràng, chúng tôi muốn trung sĩ Bergdahl trở về. Và tôi hy vọng rằng trao đổi tù nhân sẽ là một vấn đề trong chương trình đàm phán Mỹ - Taliban". Tuy nhiên, "cuộc họp đầu tiên có thể sẽ chỉ là một trao đổi chương trình nghị sự chứ không phải là bất kỳ nội dung, thảo luận chi tiết. Chúng tôi sẽ nói với họ những gì chúng tôi muốn. Họ sẽ cho chúng tôi biết những gì họ muốn, và hai bên sau đó sẽ tham khảo ý kiến về các bước tiếp theo, sau đó có một cuộc họp trong một hoặc hai tuần sau đó", một quan chức Mỹ thông tin.
Về vai trò của Pakistan, giới chức Mỹ từ lâu đã phàn nàn cho rằng Pakistan chưa nỗ lực trong việc ngăn chặn quân nổi dậy và vũ khí vào Afghanistan. Nhưng "Pakistan đã thực sự hỗ trợ cho tiến trình hòa bình Afghanistan", một quan chức Mỹ nhấn mạnh. "Tuy trong quá khứ đã có hoài nghi về sự hỗ trợ của họ, nhưng trong những tháng gần đây tôi nghĩ rằng chúng tôi đã thấy bằng chứng cho thấy có sự hỗ trợ chính thức và họ đã sử dụng ảnh hưởng của họ để khuyến khích Taliban tham gia vào các diễn biến đặc biệt này".
Hiện nay, quan chức các bên đều từ chối tiết lộ chi tiết về nội dung trao đổi có thể ảnh hưởng đến thời gian biểu rút khoảng 60.000 quân của Mỹ khỏi Afghanistan. Dự kiến quân đội Mỹ và NATO rút hết quân vào cuối năm 2014, chuyển giao việc đảm bảo an ninh cho Afghanistan. Tuy nhiên, ông Obama cũng dự kiến sẽ để lại một lực lượng để giúp huấn luyện quân đội và cảnh sát địa phương và thực hiện các hoạt động chống khủng bố.
Một quan chức khẳng định: Các cuộc đàm phán sẽ góp phần giảm bớt bạo lực và loại bỏ những kẻ khủng bố quốc tế trong và xung quanh Afghanistan, điều này cũng sẽ có tác động đến các quyết định liên quan đến sự hiện diện của chúng tôi trong tương lai ở đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.