Theo dõi Báo Hànộimới trên

Oằn mình qua trạm thu phí

Hà Phạm| 12/08/2015 06:37

(HNM) - Theo lộ trình, từ năm 2016 đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ bổ sung thêm 4 khu vực đặt trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư cho các dự án. Điều này đồng nghĩa với việc trên địa bàn thành phố sẽ có 10 trạm thu phí.

Thêm trạm để tận thu?

Thống kê của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 6 trạm thu phí, trong đó có 4 trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư theo hợp đồng BOT và 2 trạm phục vụ cho công tác bảo trì công trình. Cụ thể, trạm Xa lộ Hà Nội dự kiến thu phí đến năm 2045; trạm cầu Bình Triệu thu đến năm 2032; trạm An Sương - An Lạc thu đến năm 2033; trạm cầu Phú Mỹ thu phí từ tháng 4-2010 và trạm Nguyễn Văn Linh (thu đến năm 2027), trạm đường hầm sông Sài Gòn (chưa thu phí).

Các trạm thu phí quá gần nhau gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải.



Theo ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, Thông tư 90 của Bộ Tài chính quy định, đối với các đoạn đường bộ bắt đầu thu phí phải bảo đảm khoảng cách giữa hai trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường có độ dài tối thiểu là 70km, tuy nhiên, trên thực tế có trạm cách nhau chỉ vài ki lô mét. Đơn cử, từ Quận 7 xuống Quận 9 với quãng đường khoảng 17km đã có 3 trạm thu phí gồm: Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ và Xa lộ Hà Nội. Chưa hết, trên các trục đường cửa ngõ ra vào TP Hồ Chí Minh cũng san sát các trạm thu phí. Đó là trên quốc lộ 1K (kết nối mạng lưới đường bộ TP Hồ Chí Minh tại cửa ngõ phía Đông Bắc) có 3 trạm thu phí thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Trên quốc lộ 13 (kết nối mạng lưới đường TP Hồ Chí Minh tại cửa ngõ phía Đông Bắc) có 2 trạm thu phí đặt trên địa phận tỉnh Bình Dương, trong đó trạm Vĩnh Phú chỉ cách trạm thu phí Bình Triệu (TP Hồ Chí Minh) khoảng 6km. Trên quốc lộ 1 có trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai, cách trạm thu phí Xa lộ Hà Nội (TP Hồ Chí Minh) gần 14km…

Thế nhưng, theo lộ trình đề ra của UBND TP Hồ Chí Minh, dự kiến từ năm 2016 đến năm 2025, thành phố sẽ bổ sung thêm 4 khu vực đặt trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư cho các dự án gồm: Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu; xây dựng đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; xây dựng nút giao thông đường Nguyễn Văn Linh - đường Nguyễn Hữu Thọ và dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 22.

Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc DNVT Minh Liên (quận Bình Thạnh) cho rằng, nếu theo kế hoạch đặt trạm thu phí nêu trên thì trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh (Quận 7) sẽ có 2 trạm thu phí, trong khi cả tuyến đường dài chưa tới 18km. Làm như vậy sẽ tạo ra một mạng lưới các trạm thu theo kiểu "bủa vây" để tận thu đối với các xe vận tải đường bộ.

Theo Bộ GTVT, hiện trên các tuyến quốc lộ cả nước có 45 trạm thu phí đang hoạt động để hoàn vốn cho các dự án BOT; đến năm 2018 sẽ có 51 trạm thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành. Trong 96 trạm trên, 83 trạm do Bộ GTVT ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT. Việc thu phí sử dụng đường bộ thực hiện theo 2 phương thức: Thu theo đầu phương tiện và thu trực tiếp tại các trạm BOT.

Lỗ hổng từ khung pháp lý

Quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí là 70km nhưng trên thực tế đa phần các trạm thu phí theo hình thức BOT đều "lách" được quy định này. Trao đổi Báo Hànộimới, TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, Thông tư 90/2004 và 159/2013 của Bộ Tài chính về khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu phí khá mơ hồ và không rõ ràng. Đơn cử, quy định chỉ trên một tuyến đường chứ không nói trên nhiều tuyến đường của địa phương, cũng chưa nói về công trình BOT công trình cầu, hầm.

"Lỗ hổng lớn nhất ở các thông tư trên là mở ra lối thoát cho các dự án BOT có trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách 70km mà vẫn được thực hiện. Từ đó, nhà đầu tư BOT khá dễ dàng đáp ứng các yêu cầu theo thủ tục pháp lý", TS Phạm Sanh phân tích.

Theo các chuyên gia kinh tế, đặc điểm của các dự án BOT hạ tầng giao thông Việt Nam thời gian qua là vốn đầu tư rất lớn, hầu như chỉ có nhà đầu tư trong nước tham gia thông qua vay ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tín dụng có lãi suất khá cao, thời gian hoàn vốn, trả lãi khá dài. Từ đó, nhà đầu tư có xu hướng chia nhỏ tuyến đường hoặc chỉ chọn các dự án BOT cầu, hầm…, thậm chí "bán lúa non" hoặc đặt trạm thu phí sai vị trí để sớm thu phí, hoàn vốn. Trong khu vực TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã có gần 50 trạm thu phí. Thế nhưng, hạ tầng đường sá không khá lên, thậm chí ngày càng xuống cấp.

Theo ông Thái Văn Chung, TP Hồ Chí Minh nên cân nhắc cự ly đặt trạm, mức thu và thời gian thu, để bảo đảm minh bạch và công bằng quyền lợi giữa DNVT, nhà đầu tư và chính quyền. Còn TS Phạm Sanh cho rằng, các nước trên thế giới thường dùng công nghệ thu phí không dừng xe khi qua trạm, thu phí tự động cho cả tuyến đường dài, chỉ giao cho một vài doanh nghiệp tổ chức thu và chuyển dần sang hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Oằn mình qua trạm thu phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.