(HNM) - Sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quyết định hủy bản phúc thẩm, sơ thẩm tại vụ án Nguyễn Thanh Chấn (người vừa được trả tự do sau 10 năm bị tù oan) và xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm ngày 6-11, có ý kiến cho rằng, vụ án cần xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm nhằm minh oan cho người vô tội và quy rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Bên lề kỳ họp QH sáng 7-11, Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH Trần Văn Độ khẳng định, dù xét xử theo trình tự nào thì để oan là sai, mà sai thì phải sửa.
Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH Trần Văn Độ. Nguồn: baomoi.com |
- Xin ông cho biết xử tái thẩm khác Giám đốc thẩm thế nào? Sự kiện Lý Nguyễn Chung ra đầu thú có ý nghĩa như thế nào đối với vụ án Nguyễn Thanh Chấn?
- Theo quy định, nếu xét xử Giám đốc thẩm thì lấy toàn bộ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ để xem xét vụ án. Còn xét xử theo trình tự tái thẩm sẽ được thực hiện khi trong quá trình xét xử xuất hiện một tình tiết mới, có thể đảo ngược, thay đổi toàn bộ bản chất vụ án. Trong trường hợp này, tình tiết mới đó phải được thay thế toàn bộ nội dung vụ án. Khi Lý Nguyễn Chung tự thú và có lời khai cho rằng đây là đối tượng phạm tội thì đó là tình tiết mới.
- Có ý kiến cho rằng, vụ án Nguyễn Thanh Chấn cần xem xét theo trình tự Giám đốc thẩm. Vậy việc xét xử lại bằng tái thẩm liệu có thỏa đáng?
- Yếu tố quyết định ở đây là việc tự thú của Lý Nguyễn Chung. Đó là tình tiết mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án. Qua đó, cơ quan chức năng sẽ tìm kiếm lại trong quá trình tố tụng có những vi phạm nào. Những vấn đề đó tòa sẽ phải hủy đi và điều tra lại rõ ràng, thận trọng.
- Ông có thể cho biết, sai sót cụ thể trong vụ án này là gì và làm thế nào để hạn chế được những sai sót dẫn đến người vô tội bị oan sai?
- Cái đó còn phải chờ quyết định Giám đốc thẩm và một thời gian sau mới có thể trả lời. Để hạn chế sai sót, theo tôi, Luật Tố tụng phải hoàn chỉnh, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người chấp hành tố tụng. Bên cạnh đó phải nêu cao trách nhiệm của những người điều tra, viện kiểm sát, công tố, tòa án. Điều quan trọng nhất là tất cả người dân phải nêu cao ý thức đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Vụ án này có nhiều người chứng kiến ngay từ đầu nhưng lại không tố giác tội phạm dẫn đến sai lệch vụ án.
- Cá nhân ông có tin rằng Nguyễn Thanh Chấn là người vô tội?
- Lý Nguyễn Chung đã tự thú và là người phạm tội thực sự. Nghĩa là Nguyễn Thanh Chấn là người vô tội. Hiện nay, Nguyễn Thanh Chấn đã được trả tự do. Rõ ràng thời điểm hiện nay phải điều tra lại. Cả cơ quan tố tụng, TAND Tối cao trong thời hạn nhất định cũng phải tiến hành điều tra để bảo đảm khách quan, giải quyết cho đúng pháp luật.
- Vậy theo ông hệ quả pháp lý sẽ khác nhau như thế nào khi xét xử vụ án Nguyễn Thanh Chấn theo hình thức tái thẩm và Giám đốc thẩm?
- Hệ quả giống nhau. Nếu phải hủy, bị đình chỉ thì phải đình chỉ. Oan là sai, sai thì phải sửa. Trách nhiệm về pháp lý đều như nhau.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.