Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ở đâu người lao động khó khăn, vướng mắc thì ở đó có vai trò của công đoàn

Quốc Bình| 11/07/2016 17:17

(HNMO) - Sáng nay 11-7, Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn đã có cuộc làm việc với Liên đoàn Lao động thành phố về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội.


Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi làm việc.


Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đào Đức Toàn cho rằng, vượt lên khó khăn, hoạt động công đoàn thành phố thời gian qua đạt được nhiều kết quả rất đáng biểu dương, nhất là gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 09 đã phát triển được số lượng lớn các tổ chức công đoàn nói chung, công đoàn trong DN ngoài khu vực nhà nước nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động công đoàn vẫn còn những hạn chế nhất định. Thực tế, có những điều công nhân, lao động cần, là quyền lợi chính đáng của họ, nhưng hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức công đoàn không quán xuyến được, chưa với đến được, chưa bảo vệ hết được. Đình công, lãn công là “vũ khí” của người lao động, nhưng đôi khi chúng ta nhìn nhận việc đó như một sự chống đối, có gì đó bất an nên dị ứng. 

Chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 09 trong thời gian tới, đồng chí Đào Đức Toàn lưu ý trước hết cần hết sức chú trọng, làm tốt công tác tuyên truyền. Tuyên truyền phải bảo đảm tính toàn diện trong hệ thống công đoàn, để trước hết là cho cán bộ công đoàn phải tinh thông, hiểu biết, phải nâng được bầu nhiệt huyết, có kỹ năng hoạt động tốt. Phát huy được vai trò nòng cốt của các ban chỉ đạo, ban tuyên truyền vận động để từ đó phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Các ban chỉ đạo từ thành phố xuống quận, huyện, thị xã phải đánh giá, phân tích được tình hình DN, từ đó xác định được những trọng tâm, trọng điểm. Trong hàng ngàn DN, phải lựa chọn ra được các DN đáp ứng được các tiêu chí như về quy mô, số lượng lao động, địa bàn hoạt động, khả năng đóng góp, chất lượng hoạt động, chất lượng chủ DN… Nên xây dựng bộ tiêu chí để xác định những DN có điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn, tránh loay hoay đi vào những chỗ khó khăn quá, phải ưu tiến những nơi có điều kiện làm trước. Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố chú trọng tổ chức các hoạt động tuyên truyền đại chúng để lan toả đến người lao động như đã làm thời gian qua.

Phó Bí thư Thành uỷ chỉ đạo Liên đoàn Lao động thành phố phải tổ chức các diễn đàn hoặc có một địa chỉ nào đó để người lao động, công đoàn cơ sở có thể gửi gắm, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng, ý kiến; đồng thời có cơ chế xử lý thông tin kịp thời những ý kiến đó. Liên đoàn Lao động thành phố phải làm sao để ở đâu người lao động khó khăn, vướng mắc thì ở đó có vai trò của công đoàn.

Đồng chí Đào Đức Toàn lưu ý, trong nhiệm kỳ này, Liên đoàn Lao động thành phố tập trung trang bị cho cán bộ công đoàn các kỹ năng, không phải chỉ để thành lập mà là kỹ năng duy trì tổ chức, hoạt động, để mỗi công đoàn cơ sở được thành lập đồng thời cũng có sức sống, có sức lan toả.

Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09 nhấn mạnh, cán bộ công đoàn toàn thành phố khi tiến hành tuyên truyền vận động, thực hiện quy trình thành lập tổ chức công đoàn cần hết sức linh hoạt, tránh máy móc, rập khuôn; vận dụng cả các quy trình mới, cách làm mới với kinh nghiệm, cách làm cũ. Theo quy định là không nhất thiết phải thông báo cho chủ DN biết, nhưng rất nên thông báo cho DN, vì xét cho cùng tổ chức công đoàn hay tổ chức đảng nằm trong DN, là một phần của DN. Cần phải xác định DN là một cơ thể thống nhất, bao gồm cả các tổ chức Đảng, đoàn thể, trong đó có công đoàn. Mọi mục tiêu thành lập các tổ chức Đảng, đoàn thể nhân dân cũng chỉ vì sự phát triển của DN. Ngoài ra, công đoàn cấp trên cũng phải chủ động tìm kiếm, lựa chọn, đề xuất nhân tố cán bộ công đoàn cho cơ sở. Quy trình thành lập công đoàn cơ sở trong DN ngoài khu vực nhà nước có nhiều bước khác nhau, có thể lồng ghép các bước vào nhau cho phù hợp. “Quy trình 7 bước, nhưng theo tôi là bước 7 với bước 5 nên gắn với nhau, ra tổ chức thì có luôn chương trình hành động mới khí thế, anh em thấy công đoàn làm được rất nhiều việc, quyền lợi được chăm lo, công việc được bảo đảm mới tin tưởng"- đồng chí cho biết.

Liên đoàn Lao động TP Hà Nội hiện đang quản lý 45 công đoàn cấp trên cơ sở và 27 công đoàn cơ sở với tổng số 7.448 công đoàn cơ sở và hơn 520.000 đoàn viên công đoàn. Trong đó, có 3.773 công đoàn trong các DN, tổ chức ngoài nhà nước và hơn 293.000 đoàn viên, đều chiếm trên 50%. Theo báo cáo kết quả thống kê số liệu DN và lao động của các cấp công đoàn, tính đến hết tháng 5 năm nay, trên địa bàn Hà Nội có tổng số 16.418 DN với trên 477.000 lao động. Tuy nhiên mới chỉ có 3.899 DN thành lập được tổ chức công đoàn. Còn lại 12.519 DN chủ yếu là DN ngoài khu vực nhà nước chưa thành lập được tổ chức công đoàn.

Thực hiện Nghị quyết 09, năm 2012, các cấp công đoàn Thủ đô đã thành lập mới được 313 công đoàn cơ sở, kết nạp mới 37.270 đoàn viên công đoàn. Năm 2013, Công đoàn thành phố thành lập được 354 công đoàn cơ sở và 36.733 đoàn viên công đoàn trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Năm 2014, số tổ chức công đoàn cơ sở được thành phố thành lập mới tăng thêm 415, số đoàn viên mới được kết nạp đạt gần 36.000 người. Năm 2015, Công đoàn Thủ đô thành lập mới 437 tổ chức công đoàn cơ sở và kết nạp mới gần 39.000 đoàn viên. 6 tháng đầu năm nay, khu vực DN ngoài nhà nước của thành phố tiếp tục có thêm 284 tổ chức công đoàn cơ sở với gần 31.000 đoàn viên công đoàn.

Ngoài ra, nhằm đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố đã tập trung chỉ đạo thí điểm áp dụng một số mô hình mới nhằm đa dạng hoá các hình thức thu hút, tập hợp lao động tham gia tổ chức công đoàn như: thành lập nghiệp đoàn giáo viên mầm non ngoài công lập; thành lập công đoàn cơ sở ghép; vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo phương thức mới (Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ở đâu người lao động khó khăn, vướng mắc thì ở đó có vai trò của công đoàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.