(HNM) -
Một điểm phát báo miễn phí cho công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long.Ảnh: Thái Hiền |
Nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho công nhân lao động (CNLĐ), nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoặc sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động, LĐLĐ huyện Đông Anh đã xây dựng đề án, phát động phong trào “Ở đâu công nhân khó - Ở đó có công đoàn” trong công nhân, viên chức lao động toàn huyện. Với mục tiêu, bất cứ CNLĐ nào trên địa bàn gặp khó khăn sẽ được công đoàn quan tâm giúp đỡ, phong trào thể hiện sự quan tâm một cách thiết thực tới lực lượng này thông qua việc tập trung các nguồn lực nhằm giải quyết những khó khăn về đời sống cho người lao động.
Sau khi phát động, phong trào đã được 100% công đoàn cơ sở hưởng ứng và triển khai thực hiện hiệu quả; thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức lao động, doanh nhân ủng hộ. Chỉ trong thời gian ngắn, các đơn vị trực thuộc và LĐLĐ huyện đã huy động được gần 50 tỷ đồng để chăm lo đời sống vật chất cho CNLĐ. Công tác trợ giúp khó khăn cho CNLĐ ngày càng đi vào đời sống. Cụ thể, LĐLĐ huyện xây dựng ngân hàng thanh lý vật dụng gia đình từ các tập thể, cá nhân nhằm hỗ trợ CNLĐ khó khăn; duy trì hoạt động Câu lạc bộ Giám đốc - Chủ tịch công đoàn để phối hợp cùng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăm lo người lao động. Huyện thường xuyên thông tin địa chỉ CNLĐ đặc biệt khó khăn để kêu gọi sự trợ giúp của các tập thể, cá nhân và cộng đồng...
Thông qua phong trào, các hoạt động chăm lo đời sống, tư vấn pháp luật, trợ giúp kiến thức chuyên môn cho CNLĐ được phát huy cao độ. Trong đó, LĐLĐ huyện đã tổ chức phòng khám tình nguyện tại Khu công nghiệp Thăng Long để khám bệnh miễn phí cho CNLĐ vào dịp 1-5 và 28-7 hằng năm. LĐLĐ huyện còn thành lập đường dây nóng tư vấn chăm sóc sức khỏe miễn phí; tổ chức tư vấn pháp luật về hợp đồng lao động, BHXH, BHYT… miễn phí cho CNLĐ. Hằng năm, tổ chức công đoàn vận động doanh nghiệp, cộng đồng hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng, giúp CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, lao động di cư ổn định cuộc sống.
Một điểm đáng chú ý nữa, LĐLĐ huyện Đông Anh đã thành lập 45 tổ công nhân tự quản với hàng nghìn CNLĐ tham gia. Nhiều mô hình hay được xây dựng và nhân rộng như: “Tự phòng, tự quản”, “Tổ công nhân tự quản về an ninh trật tự tại các khu nhà trọ”, “Tổ xe chở khách tự quản”... Các mô hình này đã góp phần duy trì tình hình an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư.
Hằng năm, vào các ngày lễ lớn của đất nước, các xã, thôn trên địa bàn đều tổ chức giao lưu thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ thu hút đông đảo CNLĐ tham gia… Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ - TDTT được tổ chức ngay tại các tổ công nhân tự quản, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân như giao lưu văn nghệ “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”, phát Báo Lao động Thủ đô miễn phí, tổ chức Hội chợ hàng Việt. Công đoàn còn phối hợp với lực lượng công an, dân phòng tổ chức tuyên truyền phòng chống trộm cắp, tệ nạn xã hội, phát tờ rơi, tuyên truyền theo nhóm, phòng trọ, tập huấn tổ trưởng tổ công nhân tự quản... Từ đây, phong trào đã dần lan rộng ra toàn thành phố. Các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, tư vấn pháp luật, trợ giúp kiến thức chuyên môn cho CNLĐ được phát triển sâu rộng. Lao động di cư dù không có hộ khẩu Hà Nội đã được gửi con vào học ở các trường công hệ mầm non, tiểu học, trung học…
Từ hiệu quả ghi nhận được ở huyện Đông Anh, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức nhân rộng mô hình ra toàn quốc. Và với những ưu điểm như trên, phong trào “Ở đâu công nhân khó - Ở đó có công đoàn” đã phát triển với nhiều sáng tạo trong cách làm, trở thành thương hiệu chung cho những hoạt động vì CNLĐ, nhất là lao động di cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.