Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ở đâu có sốt xuất huyết, ở đó sẽ có Zika”

An Hy| 02/02/2016 15:06

(HNMO) – Thông tin về dịch bệnh “Zika đầu nhỏ” với tốc độ lây lan rất mạnh đã ngập tràn các trang báo lớn của thế giới, khiến cộng đồng quốc tế không khỏi hoang mang, lo lắng. Dịch bệnh này đã bùng phát ở châu Mỹ và hiện cũng đang đặt châu Á vào tình trạng báo động.

Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika nhiều khả năng sẽ sinh ra con bị tật đầu nhỏ.


Ấn Độ đã từng có Zika

Ấn Độ đã bắt đầu kiểm tra các trường hợp mắc virus Zika trong dân số 1,3 tỷ người của nước này. Và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như có người mắc phải bệnh dịch, bởi Ấn Độ đã có một lịch sử lâu dài lây nhiễm virus Zika vô cùng đáng ngại.

Zika thuộc họ virus Flaviviridae, do muỗi Aedes Aegypti lây truyền, biểu hiện ở các triệu chứng: sốt nhẹ, phát ban, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ, đau khớp và đỏ mắt. Cứ 5 người nhiễm virus sẽ có một người bị phát triển thành bệnh. Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika nhiều khả năng sẽ sinh ra trẻ bị tật đầu nhỏ (đầu bị dị dạng và não bộ phát triển không đầy đủ).

Các nhà khoa học đang nghiên cứu dịch Zika bùng phát ở châu Mỹ nói rằng, khoảng 2 triệu người đã bị lây nhiễm virus này. Virus Zika đã lây lan ở 23 nước trong khu vực và có nguy cơ sẽ xâm nhập nước Mỹ.

Virus Zika do muỗi Aedes truyền nhiễm đã xuất hiện ở hơn 20 quốc gia.


Cho đến nay, châu Á vẫn được xem là chưa bị virus Zika tấn công. Các mẫu phân tích virus do các chuyên gia ở Viện Virus học quốc gia ở Pune, Ấn Độ đều cho kết quả âm tính.

Tuy nhiên, điều đáng nói là Ấn Độ không phải chưa từng có Zika.

Khi viện Virus học ở Pune thành lập vào năm 1952, một nhóm các nhà khoa học đã được giao nhiệm vụ cố gắng tìm ra những dịch bệnh nào nguy hiểm và cần nghiên cứu.

Họ đã đi khắp Ấn Độ thu thập các mẫu máu để xét nghiệm và tìm ra danh sách 15 loại bệnh do côn trùng gây ra. Kết quả vô cùng đáng ngạc nhiên vì Zika cũng nằm trong danh sách này.

Theo nhà virus học tại Viện nghiên cứu Virus Uganda, Julius Lutwama, Zika lần đầu tiên được phát hiện trên những con khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda từ năm 1947. Tuy nhiên, người Uganda lại không nghĩ đó là loại virus nguy hiểm mà chỉ tập trung vào việc chống sốt rét. Đến năm 1952, nó mới chính thức được công nhận là một loại virus đặc thù.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số lượng đáng kể những người mắc virus Zika ở Ấn Độ. Chỉ có 33 trong số 196 người được kiểm tra cho thấy có khả năng miễn dịch với loại bệnh mới này.

Trong một nghiên cứu được công bố năm 1953, họ đã kết luận chắc chắn rằng “Virus Zika đã tấn công con người ở Ấn Độ”. Điều đặc biệt đáng chú ý là, kết luận này được đưa ra trước cả khi trường hợp mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận ở Nigeria năm 1954.

Theo một chuyên gia, Zika thậm chí đã lây lan trước khi con người mắc phải virus này.

Tại thời điểm đó, nhóm nghiên cứu không đặc biệt đến quan tâm tới virus Zika do tin rằng nó chỉ gây ra bệnh không nguy hiểm với những triệu chứng như sốt, phát ban nhẹ và không gây biến chứng đáng kể về lâu dài.

Tuy nhiên, nhận thức này đã hoàn toàn thay đổi trong những tháng vừa qua, khi Zika được phát hiện gây ra những sự phát triển bất thường đối với não trẻ trong thai kỳ.

Và sự thật khủng khiếp là Zika gần như chắc chắn sẽ tái xuất hiện ở Ấn Độ. T

“Ở đâu có sốt xuất huyết, ở đó có Zika”

Những nhân viên y tế đã nỗ lực loại trừ loài muỗi mang virus Zika vô cùng nguy hiểm.


Thậm chí, ngay cả khi Ấn Độ chưa có Zika, thì sự lây lan của hai loại dịch khác là sốt xuất huyết và sốt Chikungunya chính là minh chứng rõ ràng cho thấy dịch Zika cũng sẽ bùng phát. Bởi các virus gây ba bệnh này đều do loại muỗi Aedes truyền.

Năm ngoái, Ấn Độ từng hứng chịu trận dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Có 25.000 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận, tuy nhiên con số trên thực tế phải cao hơn ít nhất 100 lần.

Một chuyên gia khẳng định, ở đâu có sốt xuất huyết, ở đó sẽ có Zika.

Giáo sư Laura Rodrigues, chuyên gia tại Học viện Khoa học Brazil nhận định, khả năng loài muỗi Aedes tái truyền nhiễm virus Zika ở Ấn Độ là hoàn toàn có thể.

“Virus Zika sẽ tiếp tục lan rộng và nhiều khả năng sẽ xâm nhập tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ nơi muỗi Aedes sinh sống”.

Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực gấp rút nghiên cứu cách thức loại virus này hoạt động trên cơ thể con người, đồng thời tìm cách phát triển vắc xin đề kháng. Tuy nhiên, những nỗ lực này nhanh nhất cũng phải mất 2 năm để thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ở đâu có sốt xuất huyết, ở đó sẽ có Zika”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.