Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ổ bọ xít ở Từ Liêm: Không đáng lo ngại!

Đức Trường| 22/09/2010 07:05

(HNM) - Sáng 21-9, một ngày sau khi chứng kiến cảnh hàng ngàn con bọ xít lúc nhúc trong căn bếp chỉ rộng hơn 1 mét vuông của mình, bà Lưu Thị Ninh, xóm 3A, Cổ Nhuế, Từ Liêm vẫn chưa hết bàng hoàng: Không biết ở đâu ra mà lắm con bọ này thế?

Chị Nguyễn Thị Thơm, hàng xóm nhà bà Ninh, cho biết từ nửa tháng trước, thỉnh thoảng chị lại bắt được một con ở chỗ máy bơm nước hoặc ven tường. Ngay sau khi mấy cán bộ khoa học của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật lấy mẫu và hướng dẫn nhân dân cách tiêu diệt ổ BXHM, chị Thơm đã dọn dẹp sạch sẽ giường chiếu trong nhà.

Ổ bọ xít này có đến hơn 500 cá thể trưởng thành, hầu hết đều có máu. Ảnh: N.T.

Mang theo số BXHM bắt được tại căn bếp của bà Ninh, chúng tôi đến nhà của ông Nguyễn Hữu Điều, xóm 8A, cũng thuộc xã Cổ Nhuế. Chỉ vào những con bọ xít trong hộp, ông Điều khẳng định đây chính là những con bọ xít giống trong ổ hơn 200 con được phát hiện và tiêu diệt ở căn bếp ngay nhà bên cạnh vào ngày 10-9. Ở đây, giống như ở xóm 3A, người dân cũng thỉnh thoảng bắt được vài con.

TS Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm (Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng trung ương) cho biết, BXHM ở Cổ Nhuế thuộc họ bọ xít hút máu, dễ nhận biết vì bề ngoài gần giống như bọ xít bình thường nhưng dài hơn, vòi cong, khỏe, phần bụng dẹt và to, rìa bụng có những viền màu vàng, toàn thân màu nâu sẫm. Ban ngày, chúng thường ẩn nấp trong các đống củi mục nơi ẩm thấp, hoặc các khe cửa, gậm giường, dưới đệm, thường là quanh phòng ngủ của người gần bếp nơi có bọ xít trú ngụ. Ban đêm, chúng di chuyển mau lẹ tìm mồi hút máu súc vật, chủ yếu chuột, chúng chỉ hút máu người khi không gặp vật chủ chính là chuột.

TS Khoa khẳng định, người dân không nên quá lo lắng về những loại bệnh do BXHM mang lại (bệnh Chagas, bệnh ngủ), bởi vì tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận được bất kỳ một trường hợp nào bị lây bệnh do BXHM đốt.

Các nhà khoa học khuyến cáo, để phòng chống BXHM đốt, người dân nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, gậm giường, phòng ngủ, mở cửa cho ánh nắng chiếu vào. Nếu phát hiện trong nhà có BXHM nên dọn sạch nhà, nhất là phòng ngủ.

Ngày 20-9, nhân dân ở thôn 3A, xã Cổ Nhuế đã được cán bộ y tế xã hướng dẫn mua thuốc Hantox-200 để diệt bọ xít và kết quả khá khả quan.

Theo TS Nguyễn Đức Lưu, Phó Tổng Giám đốc Công ty HANVET khẳng định, thuốc Hantox-200 này đã được Bộ Y tế cấp phép, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và đang được sử dụng rộng rãi. Cả 4 viện: Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Pasteur Nha Trang, SR-KSTCT TƯ và SR-KSTCT TP Hồ Chí Minh đều đánh giá loại thuốc này không có phản ứng phụ và diệt côn trùng hiệu quả. Hiện nay Bộ Y tế đang khảo nghiệm lựa chọn hóa chất để diệt BXHM.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ổ bọ xít ở Từ Liêm: Không đáng lo ngại!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.