(HNMO) – Sau những ý kiến trái chiều về cuốn sách Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5 của Bộ GD-ĐT có đoạn viết Thánh Gióng đánh giặc xong nhảy xuống Hồ Tây tắm, ngày 16-3, NXB Giáo dục có văn bản trả lời chính thức vấn đề này.
Trích đoạn trong Sách Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5 về Thánh Gióng gây tranh cãi |
Ngày 16-3, ngay khi bài báo “Thánh Gióng đánh giặc xong nhảy xuống Hồ Tây tắm” phản ánh về về một bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 và sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A (sách thử nghiệm) có đoạn văn về Thánh Gióng khác lạ với những câu truyện cổ tích quen thuộc, lập tức đã tạo nên nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.
Cụ thể trong cuốn sách này có ghi: “Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”.
Ngay khi dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về đoạn văn nói trên, ngày 17-3, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) và GS. Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên SGK Tiếng Việt 5) chính thức có ý kiến về vấn đề này.
Theo đó, đây là bài tập dành cho học sinh lớp 5 nằm trong cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được lấy lại từ cuốn Tiếng Việt 5, tập hai (NXB Giáo dục, 2010, tr. 86). Đoạn văn trong bài tập trích từ bài viết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Đình Thi – “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” (Nguyễn Đình Thi toàn tập, tập IV, NXB Văn học, 2009, tr. 148).
Cuốn sách Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5 |
Theo NXB Giáo dục Việt Nam, mục tiêu của bài tập là rèn luyện cho học sinh kĩ năng liên kết các câu trong đoạn, qua đó học hỏi cách sử dụng từ ngữ linh hoạt của nhà văn. Đoạn văn được trích thể hiện trí tưởng tượng phong phú và độc đáo của nhà văn về một kết cục khác với câu truyện cổ tích thường nghe.
Trước đó, trả lời báo chí về việc biên soạn bài tập này, GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên của SGK Tiếng Việt 5 khẳng định, đây là trích đoạn được lấy nguyên bản từ tác phẩm “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” của nhà văn Nguyễn Đình Thi chứ không phải là đoạn văn do những người chủ biên tự sáng tác. GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, sở dĩ bạn đọc phản ứng với đoạn văn nói trên vì không hiểu rõ mục đích của bài tập này là để rèn trí tưởng tượng mà thôi.
Tranh cãi về trích đoạn “Thánh Gióng đánh giặc xong nhảy xuống Hồ Tây tắm” đã được các bên lý giải khá hợp tình. Nhưng giá như, khi đưa trích đoạn này vào bài học của học sinh lớp 5, những người chủ biên và NXB chú thích kỹ hơn về nguồn gốc xuất xứ của trích đoạn thì có lẽ những tranh cãi kiểu này đã không xảy ra. Học sinh và phụ huynh cũng không bị hoang mang và những người làm công tác biên soạn sách không mất thời gian giải thích qua lại trên các phương tiện truyền thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.