(HNM) - Chiều xuống, trên mảnh đất Tản Lĩnh, nơi được coi là
Sự sôi động, hứng khởi của các phong trào thể dục thể thao, nhất là phong trào bóng đá nữ ở đây khiến ai một lần chứng kiến không khỏi ngạc nhiên. Nhìn những nông dân trên sân cỏ, ít ai biết rằng họ là những người chăn nuôi bò sữa giỏi, lao động chính làm giàu cho quê hương.
Nuôi bò sữa đang trở thành nghề làm giàu của người dân xã Tản Lĩnh (Ba Vì).
Theo chị Cao Thị Minh Xuân cán bộ Ban phát triển chăn nuôi bò sữa xã Tản Lĩnh, trước năm 2008 hầu hết phụ nữ trong xã đều đi bán nông sản ở các chợ ven đô. Đất đai khá rộng, trồng cây gì cũng trĩu quả nhưng người dân chỉ quanh quẩn với mớ rau rừng, mít, lạc, chè xanh… đến mùa thu hoạch thồ cả xe mít đi 40-50 cây số cũng chỉ kiếm được vài chục cân gạo. Nhưng 5 năm trở lại đây, nghề chăn nuôi bò sữa ở Tản Lĩnh phát triển mạnh, đã làm thay đổi đời sống của hàng ngàn nông dân. Theo chị Xuân, ở đất Tản Lĩnh này, nuôi 4, 5 con bò, mỗi tháng trừ các khoản chi phí cũng được 15-17 triệu đồng. Có tiền, người Tản Lĩnh vốn lo xa nên đều dành tiền mua thêm bò, cải tạo chuồng trại để mở rộng sản xuất. Ở đây, dù là nông thôn thật nhưng hầu như nhà nào cũng có nhà tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ, ti vi, bếp ga, máy giặt… đủ cả. Ý thức của người dân trong sinh hoạt cộng đồng khá cao, ngõ xóm thuộc địa phận nhà nào nhà ấy tự quét dọn, cuối tuần cả xóm, cả làng tập trung dọn sạch lối đi chung.
Chỉ đàn bò gần hai chục con đang chậm rãi nhai cỏ, chị Đinh Thị Xuyến thôn Đức Thịnh phấn khởi khoe, từ ngày chăn nuôi bò sữa phát triển, đời sống người nông dân Tản Lĩnh thay đổi hẳn. Phụ nữ đã có điều kiện chăm sóc gia đình, nhà cửa, chăm sóc bản thân bằng chơi thể thao, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chẳng vậy mà xã có 13 thôn, thôn nào cũng có đội bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… Mỗi buổi chiều về, khi cái nắng miền sơn cước vẫn còn xiên qua hiên nhà, những chú bò sữa trong chuồng bụng đã căng tròn, nhà cửa ngăn nắp, khắp các ngõ, phụ nữ, thanh niên… í ới gọi nhau ra nhà văn hóa để chơi thể thao cho khỏe người và phấn chấn tinh thần. Cuộc sống làng quê thật sống động.
Ở Tản Lĩnh, những người phụ nữ nuôi bò giỏi, chơi bóng đá hay không thiếu. Các chị Nguyễn Kim Huệ, Nguyễn Thị An là những phụ nữ như thế. Ở họ toát lên sự nhanh nhẹn, rắn giỏi và tươi tắn của những cô gái miền sơn cước. Trong đội bóng đá 30 người và bóng chuyền 40 người ở thôn An Hòa có nhiều chị đã lên chức bà nội, bà ngoại, song vẫn hăng say tham gia TDTT. Chị Huệ tâm sự, trước đây chị em trong thôn chỉ chơi bóng chuyền, cầu lông nhưng nhờ có hai bác Đỗ Viết Nghĩa, Vũ Văn Vượng sau khi nghỉ hưu tình nguyện làm huấn luyện viên nên nhiều chị em chuyển sang chơi bóng đá, thu hút đông đảo chị em tham gia. Nhiều chị sinh năm 1960 cũng tham gia rất nhiệt tình. Không chỉ thi đấu giao hữu giữa các thôn, 3 năm nay đội bóng đá, bóng chuyền, cầu lông của các thôn còn đi giao lưu với các xã trong và ngoài huyện. Trong những cuộc thi đấu giao lưu bóng đá nữ, bà con đi cổ vũ rất đông, nhiệt tình. Bóng đá giúp tình làng nghĩa xóm thêm gắn chặt, đoàn kết. Nhiều chị em còn giúp nhau trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa nhằm sớm hoàn thành công việc để đi đá bóng. Từ chỗ vui chơi, được UBND xã tạo điều kiện, các môn thể thao này đã trở thành một phần cuộc sống đối với chị em. Giờ đây xã Tản Lĩnh đã có các đội bóng với gần 100 "cầu thủ" ở các thôn thường xuyên thi đấu để giành thứ hạng.
Chia tay những nữ nông dân nuôi bò giỏi, chơi thể thao hay ở xã Tản Lĩnh khi cái nắng chiều hè đã tắt hẳn, song đi qua Nhà văn hóa thôn An Hòa, vẫn thấy nhiều người xách vợt, cầm bóng đến sân TDTT. Hỏi ra mới hay, phong trào TDTT ở đây phát triển mạnh, nhà văn hóa chỉ có sức chứa trên 100 người nên nhiều nơi bà con phải tự nguyện chia ca. Lao động và thể thao đang hòa quện để người nông dân Tản Lĩnh bứt phá vươn lên làm giàu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.