Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước thải tại các cụm công nghiệp: Bao giờ mới hết âu lo?

Việt Tuấn| 29/05/2014 06:17

(HNM) - Giám sát về lĩnh vực này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội thực sự lo lắng trước tình trạng doanh nghiệp cứ vô tư xả thải, còn Nhà nước phải trích ngân sách để xử lý môi trường.



Giám sát về lĩnh vực này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội thực sự lo lắng trước tình trạng doanh nghiệp cứ vô tư xả thải, còn Nhà nước phải trích ngân sách để xử lý môi trường.

Tỷ lệ nước thải tại các khu công nghiệp được xử lý còn thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.


"Quên" quy hoạch khu xử lý nước thải

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng cụm CN thiếu các khu xử lý nước thải tập trung là do trước khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, các địa phương thu hút đầu tư tràn lan, trong khi đó các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chưa được quy hoạch đồng bộ; công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng lỏng lẻo… Huyện Hoài Đức là một trong những địa phương phát triển "nóng" các cụm, điểm CN trước năm 2008. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Nuôi, cũng vì việc nóng vội trong thu hút đầu tư, nên huyện đã "quên" việc quy hoạch khu vực xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Trong 12 cụm công nghiệp, hiện nay chỉ có 4 cụm có quy hoạch hệ thống này nhưng vẫn chưa triển khai. Đáng báo động, hiện có 7 cụm CN đã lấp đầy doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh nhưng đều xả thải trực tiếp ra môi trường.

Huyện Chương Mỹ cũng ở trong tình trạng tương tự, với 8 cụm CN đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tự xử lý cơ bản nước thải phát sinh, sau đó cho chảy vào hệ thống thoát nước chung của cụm CN. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hồng Quang cho biết, các cụm CN của huyện đều nhỏ lẻ, hình thành từ năm 2002 đến 2004, khi phê duyệt quy hoạch chi tiết đều không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một số cụm CN hình thành trong thời gian gần đây, có quy hoạch nhưng chưa được đầu tư xây dựng do thiếu kinh phí. Lý do mà nhiều năm nay doanh nghiệp ở địa phương này vẫn sản xuất ổn định, người dân không kêu ca về nước thải là do huyện yêu cầu các doanh nghiệp phải đào hố xử lý nước thải sơ bộ rồi mới cho chảy vào hệ thống chung. Cũng chính từ việc xử lý sơ bộ, cộng thêm hệ thống thủy lợi trên địa bàn rộng, nên khi nước thải thoát ra hệ thống chung đã loãng, ít mùi.

Theo Sở Công thương, ý thức chung bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đầu tư thứ phát và hộ sản xuất trong cụm CN còn hạn chế; công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng chưa triệt để trong thời gian đầu tư xây dựng hạ tầng cụm CN. Cũng chính từ việc không có quy hoạch hệ thống nước thải tập trung, ở một số cụm CN, chủ đầu tư đã sử dụng toàn bộ đất cho doanh nghiệp thứ phát thuê sản xuất công nghiệp, hiện tại không còn đất để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Sớm thực hiện giải pháp tháo gỡ

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội Nguyễn Văn Nam cho rằng, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải đã có trong quy định, nhưng ngay ở khâu phê duyệt chi tiết các cụm CN, cơ quan nhà nước đã không chú tâm; sau đó thiếu kiểm tra, giám sát, nên cụm CN đã quy hoạch trạm xử lý nước thải rồi cũng không đầu tư. Lỗi này là của cả hệ thống, nhưng rõ ràng, Sở Công thương là cơ quan tham mưu chủ trì cho UBND thành phố thì phải có trách nhiệm lớn trong việc này. Thời gian tới phải đưa ra những giải pháp hữu hiệu khắc phục, tránh để doanh nghiệp xả thải ra môi trường khi chưa xử lý.

Làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, Sở Công thương đưa ra giải pháp cho 91 cụm CN chưa đầu tư hệ thống nước thải tập trung. Đối với 43 cụm CN còn quỹ đất thì yêu cầu chủ đầu tư lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 48 cụm CN không còn quỹ đất thì chủ đầu tư phải bổ sung quy hoạch và xây dựng, hoặc yêu cầu doanh nghiệp tự xây dựng hệ thống xử lý ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp mình trước khi xả thải ra hệ thống thoát nước chung của cụm CN. Ngoài ra, Sở Công thương cũng đề nghị thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch, tạo quỹ đất để xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung. Trước mắt, UBND các huyện có cụm CN phối hợp với chủ đầu tư và Sở Công thương khảo sát thực tế ngoài hàng rào cụm CN, xác định quỹ đất để có thể bổ sung xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nếu cụm CN không có quy hoạch, xen kẹt khu dân cư, không thể hoàn thiện được hạ tầng kỹ thuật thì đề xuất với UBND thành phố cho phép chuyển đổi công năng, hoặc có biện pháp chỉ đạo từng doanh nghiệp sản xuất bảo đảm xử lý môi trường theo quy định của pháp luật.

Công tác xử lý nước thải tại các cụm CN cần sớm được các cấp, các ngành của Hà Nội quan tâm đúng mức, tích cực chỉ đạo, giải quyết. Bởi nếu doanh nghiệp cứ vô tư xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, thì so sánh nguồn thuế nhà đầu tư nộp cho ngân sách còn ít hơn nhiều việc Nhà nước bỏ kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường các hệ thống sông, ngòi. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm về xả thải chưa qua xử lý ra môi trường cũng cần được đẩy mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước thải tại các cụm công nghiệp: Bao giờ mới hết âu lo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.