Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước ta tiếp tục nhập siêu

L.H| 01/09/2011 11:16

(HNMO) – Trong tháng 8/2011, ước việc nhập siêu trong cả nước vào khoảng 6,21 tỷ USD, chiếm 10,21% kim ngạch xuất khẩu, trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu hơn 2,4 tỷ USD.


Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 8 ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng 7 và tăng 22,6% so với tháng 8/2010, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 10,2% so với tháng 7 và tăng 31,7% so với tháng 8/2010.

Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 67,0 tỷ USD tăng 25,4% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 55,1%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 30,10 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 44,9% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.



Ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi vẫn nhập khẩu tăng mạnh.


Xét theo mặt hàng, so với cùng kỳ, nhiều mặt hàng có khối lượng và giá nhập khẩu tăng. Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều tăng, trong đó có những mặt hàng tăng mạnh như: lúa mỳ tăng 59,6%, dầu, mỡ động thực vật tăng 57,8%, xăng dầu tăng 55,0% và khí đốt hoá lỏng tăng 56,9% (nhập khẩu 2 mặt hàng này để đảm bảo đủ nguồn cung trong khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng, sửa chữa), bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 59,3%... Các mặt hàng phục vụ sản xuất tăng như: hoá chất tăng 33,5%, phân bón tăng 61,4%, chất dẻo nguyên liệu tăng 27,6% ... Tuy nhiên, nguyên, phụ liệu thuốc lá giảm 6,9%, clanhke giảm 47,7% và phôi thép giảm 34,1%...

Xét theo thị trường, nhập khẩu từ thị trường Châu Á tăng 27,8% và chiếm tỷ trọng khoảng 79,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, trong đó: ASEAN tăng 31,7%, chiếm tỷ trọng 20,3%, Trung Quốc tăng 20,4%, chiếm tỷ trọng 22,5%, Hàn Quốc tăng 36,6%, chiếm tỷ trọng 11,3%, Nhật Bản tăng 18,5%, chiếm tỷ trọng gần 9,9%. Nhập khẩu từ thị trường EU tăng 15,2% và chiếm tỷ trọng 6,9%.

Bộ Công thương dự kiến, tới đây sẽ tăng cường phối hợp, nắm bắt thông tin từ các địa phương, hiệp hội ngành hàng để chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất; theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu; thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nước ta tiếp tục nhập siêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.