Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước Pháp: Đau đầu với “cuộc chiến” chống thất nghiệp

Quỳnh Chi| 30/09/2012 06:38

(HNM) - Lộ trình triển khai những cam kết mà Tổng thống Francois Hollande đưa ra trong chiến dịch tranh cử đang vấp phải quá nhiều chướng ngại khi nền kinh tế Pháp liên tục phát đi những tín hiệu không mấy tích cực.


Con số mới nhất của Bộ Lao động Pháp vừa đưa ra trong tuần cho thấy, số người thất nghiệp ở nước này đã ở tháng thứ 16 gia tăng liên tiếp lên đến 3,011 triệu người, tức là tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên số người không có việc làm tại Pháp vượt mốc 3 triệu kể từ năm 1999. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tương tự như những gì đã và đang xảy ra ở các quốc gia có nền kinh tế yếu kém thuộc khu vực Nam Âu, tình trạng thất nghiệp cao ở Pháp là kết quả tất yếu của chính sách thắt chặt chi tiêu trong một thời gian dài, giá lao động cao, thuế ngày tăng thêm... dẫn đến tình trạng hàng loạt công ty, doanh nghiệp cắt giảm ồ ạt nhân sự, tránh tăng chi phí.

Người thất nghiệp tới trung tâm tư vấn việc làm tại Pháp ngày càng tăng.

Công bố của Bộ Lao động pháp đã tạo thêm áp lực cho Tổng thống F. Hollande cùng bộ máy Chính phủ của Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, vốn đang bị chỉ trích là chưa tìm ra biện pháp đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, trên thực tế, ông chủ Điện Elysée đang đứng trước một bài toán hết sức nan giải, đến mức Bộ trưởng Lao động Pháp Michel Sapin phải thừa nhận là "không có giải pháp trong ngắn hạn". Theo dự báo, năm nay kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 0,3%. Trong khi đó, để giảm tỷ lệ thất nghiệp, Pháp cần đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất từ 1,5 đến 2%.

Trước tình hình nghiêm trọng này, Tổng thống Francois Hollande đã dành trọn cuộc họp nội các tuần trước cho "trận chiến công ăn việc làm". Biện pháp tức thời của Chính phủ Pháp là tuyển dụng 150.000 lao động trẻ không chuyên môn, qua chương trình có tên gọi "việc làm tương lai", trong hai năm 2013 và 2014. Ngoài ra, 18.000 chỗ dạy ở các trường công lập cũng sẽ được tạo ra cho các giáo viên mới ra trường trong 2 năm tới. Nhưng, chừng ấy xem ra chưa đủ để có thể cải thiện tình trạng thất nghiệp đang ở mức 10% trên cả nước, và 23% trong giới trẻ dưới 25 tuổi.

Thực tế, theo dự báo, làn sóng cắt giảm nhân sự sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới khi ngày 28-9, Chính phủ Pháp vừa công bố kế hoạch thắt chặt ngân sách mạnh tay nhất trong vòng 30 năm qua nhằm đưa tỷ lệ thâm hụt về mốc 3% theo quy định của Liên minh Châu Âu (EU), dù kế hoạch này đã hết sức tránh các biện pháp cắt giảm chi tiêu được cho là sẽ cản trở đà tăng trưởng kinh tế.

Theo kết quả điều tra dư luận mới nhất, chỉ có 43% người Pháp tin rằng, Tổng thống F. Hollande sẽ thực hiện được những cam kết từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử vừa qua, trong khi tỷ lệ này vào tháng 8 là 57%. Như vậy, ông đã bị mất tới 11 điểm tín nhiệm chỉ trong thời gian rất ngắn sau khi lên ngôi Tổng thống. Đây là mức giảm tồi tệ nhất với một nhà lãnh đạo Pháp trong hơn 50 năm qua. Đáng chú ý, trong số những người chưa thực sự tin vào triển vọng trong các kế hoạch của Tổng thống Francois Hollande, có tới 15% là thành viên đảng Xã hội cánh tả cầm quyền. Rõ ràng, ngày càng có nhiều cử tri Pháp nghi ngờ khả năng hoàn thành những mục tiêu đối lập nhau là: thúc đẩy tăng trưởng thông qua chi tiêu công và giảm thâm hụt ngân sách mà nhà lãnh đạo của họ đang theo đuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Pháp: Đau đầu với “cuộc chiến” chống thất nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.