Chỉ còn chờ Quốc hội phê chuẩn, một vấn đề hoàn toàn mang tính thủ tục, còn trên thực tế, Nga đã đặt chân vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau hành trình 18 năm đàm phán truân chuyên.
Bắt đầu khởi động từ năm 1993, con đường gập ghềnh đến đích cuối cùng của Nga được đánh dấu bằng rất nhiều kỷ lục. Vượt qua Trung Quốc với 15 năm đường trường vất vả, Nga phải tốn đến 18 năm ngược xuôi thương thảo. Cũng chưa có quốc gia nào phải mất nhiều cuộc đàm phán song phương đến thế, liên quan tới 60 quốc gia cũng như phải trả lời đến 3.500 câu hỏi về hệ thống thương mại, nhiều hơn 153 thành viên còn lại của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới. Có những lúc, những đòi hỏi khắt khe để có thể tham gia sân chơi toàn cầu này đã khiến người Nga nản lòng. Trong một thời gian dài, tiến trình đàm phán gần như dậm chân tại chỗ và chỉ thực sự được thổi bùng trở lại vào cuối năm 2010 khi Nga hoàn tất các điều khoản với hai đối tác nặng ký là Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Thế nhưng, nước Nga vẫn chưa thể đón tin vui. Những rắc rối với Gruzia sau cuộc chiến chớp nhoáng 5 ngày hồi năm 2008 tạo thêm một vật cản nặng nề nữa. Từ thái độ khước từ đàm phán đến những yêu cầu mà Nga rất khó chấp nhận của quốc gia láng giềng khiến nỗ lực của Mátxcơva tưởng chừng phải kết thúc trong dở dang. Cho đến khi hai bên cùng ngồi vào bàn ký kết để thông qua thỏa thuận giám sát hoạt động thương mại xuyên biên giới ở hai khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia dưới sự trung gian của Thụy Sĩ vào tháng 11 vừa qua, chặng đường gian khó của Nga mới có thể đi đến cái kết đẹp.
Bộ trưởng Phát triển kinh tế Liên bang Nga Elvira Nabioullina và Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy trong lễ ký kết Nga gia nhập WTO. |
Tuy nhiên, mọi khó khăn giờ đã lùi vào quá khứ. Việc Nga trở thành thành viên 154 của WTO đã được tổ chức này chào đón như một sự kiện quan trọng có thể chấm dứt nghịch lý, quốc gia lớn nhất thế giới, có nhiều tài nguyên bậc nhất thế giới, thành viên duy nhất trong G-20 và là nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn nằm ngoài WTO. Tất cả các thành viên của tổ chức thương mại có ảnh hưởng nhất hành tinh đều tin rằng với sự tham gia của Nga, một môi trường ổn định cho hoạt động kinh doanh giữa các nước với thị trường đầy tiềm năng này sẽ được thiết lập. Cánh cửa giao thương với nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới cũng sẽ được mở rộng với nhiều cơ hội mới trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, vòng đàm phán Doha đình đốn và xu hướng bảo hộ đang có dấu hiệu trở lại. Sau nỗ lực vừa thành của Nga, WTO cũng được tạo thêm sức mạnh khi sẽ chiếm tới 97% toàn bộ giao dịch thương mại toàn cầu.
Đương nhiên, lời tuyên bố chấp thuận Nga là thành viên của câu lạc bộ thương mại số 1 thế giới của Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy được xem như một thời điểm lịch sử với nước Nga khi quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn thứ ba thế giới sẽ bước vào một cuộc chơi hứa hẹn không ít thành công. Không cần phải bàn cãi, việc Nga gia nhập WTO chắc chắn sẽ là cú hích mạnh mẽ thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào nước này. Sự mở cửa bắt buộc về thị trường cũng sẽ giúp Nga tự chữa trị một điểm yếu lớn, đó là phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu năng lượng. Đa dạng hóa các kênh thương mại thời hậu WTO đồng nghĩa với việc kinh tế Nga với tỉ trọng xuất khẩu dầu và khí đốt chiếm tới 4/5 giá trị xuất khẩu chịu thất bát lớn khi giá nhiên liệu xuống thấp như năm 2008 sẽ được hạn chế. Tuy nhiên, lợi ích lâu dài và cực kỳ quan trọng là Nga sẽ phải xây một hệ thống luật chặt chẽ cho phù hợp với các yêu cầu mới. Điều đó tất yếu sẽ dẫn tới một môi trường kinh doanh minh bạch hơn và xóa bỏ quan niệm rằng môi trường đầu tư tại Nga chưa ở điều kiện tốt nhất, khi tình trạng tham nhũng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... đang là những mặt trái làm nhà đầu tư phàn nàn.
Có nhiều ý kiến nhận định rằng, Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn phát triển vượt bậc để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới một phần xuất phát từ tăng trưởng xuất khẩu trong một thập kỷ tham gia WTO. Cho dù điều kiện kinh tế thế giới trì trệ như hiện nay khiến Nga khó có thể ngay lập tức tạo đột biến, song, hoàn thành tâm nguyện tham gia WTO, Nga đã chính thức bước vào một giai đoạn hội nhập quan trọng với nhiều cơ hội ở phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.