Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước Mỹ bước sang trang mới

Thùy Dương| 22/01/2015 06:34

(HNM) - Đó là tuyên bố của Tổng thống Barack Obama trong bản Thông điệp Liên bang năm 2015 tại phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ diễn ra tối 20-1 (giờ Mỹ)...


Thông điệp Liên bang năm 2015 đánh giá tình hình nước Mỹ trong năm qua và đề cập các chính sách đối nội, đối ngoại trong năm thứ bảy trên cương vị người lãnh đạo nước Mỹ của Tổng thống B.Obama. Đặc biệt Thông điệp Liên bang năm nay được đông đảo chính giới và dư luận Mỹ chờ đợi vì đây là lần đầu tiên người đứng đầu Nhà trắng trình bày các chương trình nghị sự và đường hướng chính sách của chính phủ trước Quốc hội do đảng Cộng hòa toàn quyền kiểm soát. Trong bối cảnh mâu thuẫn đảng phái trong chính trường Mỹ ngày càng gia tăng, nhiều nhà phân tích cho rằng, các chủ trương chính sách trong hai năm cầm quyền còn lại của ông B.Obama sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Dẫu vậy, trong bản thông điệp được cho là đặc biệt này, Tổng thống B.Obama vẫn thách thức đảng Cộng hòa với những chính sách không hề nhượng bộ. Hơn thế, bản thông điệp còn là sự khẳng định cam kết cuối cùng trong việc thực hiện các ưu tiên của Tổng thống B.Obama trước khi nhường ghế cho người kế nhiệm.

Trong bản Thông điệp Liên bang năm 2015, ông chủ Nhà trắng đã dành tới gần một nửa thời gian cho việc điểm lại những thành quả của kinh tế Mỹ, một nền kinh tế được đánh giá là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2014 và có thể cả trong năm 2015. Theo thống kê, năm 2014 là năm kinh tế Mỹ có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, có số lượng việc làm được tạo ra nhiều nhất kể từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã tạo ra được hơn 11 triệu việc làm mới, bằng tổng số việc làm mới của Châu Âu, Nhật Bản và các nước công nghiệp phát triển cộng lại, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984, hiện chỉ còn ở mức 5,4% như trước khi xứ Cờ hoa rơi vào cuộc đại suy thoái 2007-2009. Trong thông điệp của mình, Tổng thống B.Obama cũng chỉ ra việc nền kinh tế Mỹ phát triển đã giúp ông có vị thế lớn hơn đối với cử tri. Tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ đã tăng trở lại ngay trước thời điểm ông trình bày bản thông điệp quan trọng. Theo kết quả thăm dò dư luận chung mới nhất do Báo The Washington Post và Kênh tin tức ABC News thực hiện, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống B.Obama hiện là 50%, cao nhất kể từ sau cuộc thăm dò của ABC News vào mùa xuân 2013.

Mặc dù biết trước sẽ gặp sự chống đối của đảng Cộng hòa, Tổng thống B.Obama vẫn nhất quyết dùng thành quả kinh tế gây dựng được để thúc đẩy một số chương trình. Tiêu biểu nhất là việc trợ giúp học phí cho sinh viên theo học ở các trường đại học cộng đồng và ban hành luật giảm thuế vĩnh viễn cho thành phần trung lưu. Để có tiền thực hiện những kế hoạch này, Tổng thống B.Obama đưa ra đề nghị tăng mức thuế đánh vào thành phần có mức thu nhập cao, tăng thuế những khoản tiền cá nhân đầu tư có lời và giảm bớt những quy định khấu trừ thuế mà các đại công ty đang được hưởng. Việc tăng lệ phí mà các ngân hàng phải đóng cho chính phủ cũng được đề cập tới.

Về đối ngoại, người đứng đầu nước Mỹ đề cao mục tiêu ngăn chặn lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và kêu gọi Quốc hội cho phép sử dụng quân đội chống lại các nhóm khủng bố ở Iraq và Syria. Tổng thống B.Obama cũng thúc giục lưỡng viện nên kết thúc lệnh cấm vận với Cuba trong năm nay để nâng cao giá trị dân chủ và mở rộng hữu nghị hợp tác. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những kế hoạch mà Tổng thống B.Obama vạch ra trong thông điệp này không dễ qua "cửa" Quốc hội Mỹ đang nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa. Trong đó, một chương trình có thể dẫn tới sự xung đột trực tiếp với Quốc hội là việc ông chủ Nhà trắng cam kết sẽ đóng các lỗ hổng thuế đối với các khoản thừa kế lớn, tăng thuế tài sản gia tăng đánh vào tầng lớp có thu nhập cao nhất từ 23,8% lên 28% và áp mức thuế mới đánh vào các công ty tài chính Mỹ có tài sản khoảng 50 tỷ USD.

Thông điệp Liên bang là tâm điểm của đời sống chính trị nước Mỹ đầu năm 2015 và có thể sẽ định hình chương trình nghị sự của chính quyền và đảng Dân chủ từ nay tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, cũng như định hình những di sản mà Tổng thống B.Obama sẽ để lại sau 8 năm làm người chèo lái con thuyền nước Mỹ. Vẫn còn một phần tư nhiệm kỳ đang chờ đợi vị tổng thống da màu đầu tiên của xứ Cờ hoa. Những người ủng hộ ông vẫn hy vọng có thêm những khởi sắc trong chính sách và hành động sắp tới của nhà lãnh đạo đất nước, đáp ứng kỳ vọng mà người dân Mỹ và thế giới đã đặt niềm tin vào ông 6 năm về trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Mỹ bước sang trang mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.