Tên cậu bé là Omran Daqneech, chừng 5 tuổi, người Syria. Bức ảnh chụp Omran toàn thân phủ đầy bụi và mặt bê bết máu, ngồi câm lặng trong một xe cứu thương chờ lại là một lời nhắc nhở đau đớn nữa về cái giá đắt của chiến tranh tại Syria.
Thêm một em bé Syria
Bức ảnh chụp cậu bé Omran. |
Omran sống với bố mẹ và hai anh chị ở thành phố Aleppo, nơi đang là điểm nóng chiến tranh tại Syria. Omran và gia đình bị thương khi nhà họ bị phá hủy trong một cuộc không kích hôm 17/8. Điều may mắn là tất cả đều sống sót, không phải nối dài thêm danh sách hàng nghìn người đã chết ở Aleppo.
Bức ảnh trên và đoạn video ghi cảnh nhân viên cứu hộ bế Omran ra khỏi căn nhà đổ sập do tổ chức của các nhà hoạt động Trung tâm Truyền thông Aleppo đưa lên mạng xã hội và ngay lập tức được chia sẻ nhanh chóng. Theo người phát ngôn của tổ chức này, cậu bé đã rất sốc, sốc đến mức không thể kêu khóc như những đứa trẻ khác lúc bị thương đến chảy máu.
Mustafa al Sarouq, người quay phim của Trung tâm Truyền thông Aleppo cho biết các nhân viên cứu hộ đã mất gần một tiếng để đưa Omran ra khỏi đống đổ nát. Cậu bé Omran đã được ra viện sau hai giờ vì chỉ bị vết thương nhẹ. Bác sĩ phẫu thuật Mohammedd ở Aleppo nói: “Omran vẫn ở trong trạng thái sốc và hoang mang khi bạn nhìn thấy lúc cậu bé ở trong xe cứu thương. Cậu bé không khóc tí nào”.
Những câu chuyện như của Omran xảy ra hàng ngày ở Aleppo nói riêng và Syria nói chung. Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, hơn 18.000 dân thường đã bỏ mạng ở tỉnh Aleppo từ 15/3/2011 tới 18/8/2016. Hơn 4.500 người trong số đó là trẻ em dưới 18 tuổi.
Nhà quay phim Sarouq đau xót nói: “Cả thế giới câm lặng trước những tội ác ở Aleppo nhằm vào trẻ em và phụ nữ”. Có hàng nghìn trẻ em như Omran đang bị dội bom mỗi ngày, bị giết mỗi ngày. Mỗi ngày thành phố này bị giáng đủ loại vũ khí, đủ loại tội ác. Điều kiện sống rất khủng khiếp. Tuyến đường duy nhất ra khỏi thành phố hoàn toàn không thể sử dụng. Syria và Nga đã thông báo hồi cuối tháng 7 về việc mở hành lang nhân đạo để người dân ở Aleppo rời đi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ở lại vì sợ hành lang không an toàn.
Liên hợp quốc đã buộc phải ngừng mọi chuyến hàng cứu trợ ở Syria do giao tranh leo thang. Đặc phái viên về Syria của Liên hợp quốc, ông Staffan de Mistura, cho biết những gì nhìn thấy và nghe thấy ở Syria chỉ là “cảnh giao tranh, tấn công, phản công, rocket, bom, đạn cối, đại bác, napalm, chlorine, các tay súng bắn tỉa, không kích, những kẻ đánh bom liều chết”. Ông đã cắt ngắn cuộc họp với đội đặc nhiệm nhân đạo Liên hợp quốc để phản đối bạo lực ở Syria.
Khoảng 1,5 đến 2 triệu người vẫn còn ở trong Aleppo, từng được coi là thành phố lớn nhất Syria. Hiện giờ thành phố này bị chia cắt thành hai khu vực, một của quân chính phủ và một của phe đối lập kiểm soát. Những người dân ở lại ngày ngày đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Liệu nên ở lại thành phố để rồi không biết lúc nào sẽ chết vì bom đạn hay dấn thân vào hành trình vượt biển nguy hiểm tới châu Âu để rồi bỏ xác ngoài biển? Tuy nhiên, nhiều người ở Aleppo và các thành phố bị phong tỏa ở Syria nói rằng giờ họ thậm chí không còn lựa chọn đó vì họ cảm thấy rằng châu Âu đã đóng sập cửa với họ.
Nước mắt Pokemon. |
Pokemon ở Syria
Với Omran, người ta nói cậu bé may mắn vì ít nhất là còn sống. Nhiều em bé đã không may mắn như thế. Năm 2015, cả thế giới đã lặng người trước bức ảnh cậu bé Syria Alan Kurdi 2 tuổi chết đuối, nằm úp trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tới châu Âu. Bức ảnh đã trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu.
Họa sĩ Khalid Albaih người Sudan sống ở Qatar đã sử dụng hình ảnh hai cậu bé Syria nói trên để vẽ một bức tranh lay động lòng người. Bức tranh vẽ hai cảnh ở hai thời điểm khác nhau nhưng đều nói lên sự tàn khốc của chiến tranh và nỗi thống khổ của người dân Syria cũng như người tị nạn trên toàn thế giới.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson cho biết ông hi vọng câu chuyện và hình ảnh của cậu bé Omran sẽ chạm đến trái tim và khối óc của mọi người. Ông nói: “Cả thế giới đã phụ người dân Syria… Xung đột ở Syria như một vết thương viêm nhiễm của chính trị thế giới. Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến này”.
Lời kêu gọi của Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc có lẽ sẽ không được ai để tâm khi mà cả thế giới trong những tuần qua đang mất trí, mất sức, mất ăn, mất ngủ với con quái thú tưởng tượng Pokemon. Trò chơi Pokemon Go có sức hút mãnh liệt, khiến cả triệu người chúi mặt vào màn hình điện thoại đi bắt Pokemon thâu đêm suốt sáng mà quên đi cuộc sống thực.
Để thu hút sự chú ý của thế giới đang bị phân tán bởi nhiều thứ mà Pokemon chỉ là một trong số đó, một số người đã nghĩ ra cách dùng hình ảnh Pokemon lồng vào bối cảnh chiến tranh Syria. Trong khi các nhà hoạt động ở Syria chụp ảnh trẻ em cầm tranh Pokemon cầu cứu thì Moustafa Jano, một người Syria sống ở Thụy Điển đã ghép Pokemon vào các bức ảnh chụp cảnh người tị nạn chạy trốn chiến tranh và vượt biển tới châu Âu. Còn ở Đan Mạch, nhà thiết kế đồ họa Syria Saif Tahhan đã vẽ ra những cảnh từ trò chơi tưởng tượng mang tên Syria Go. Trong đó, người chơi thay vì bắt Pokemon sẽ đi tìm những thứ như an ninh, giáo dục, thuốc men… Dưới bàn tay của các tác giả, Pokemon được lồng vào các bức ảnh đã trở nên sống động hơn khi nét mặt thể hiện cảm xúc đau thương, có chú Pokemon còn rơi lệ.
Tất cả đều hi vọng chú Pokemon có thể giúp thế giới để ý tới trẻ em Syria, để nhắc nhở rằng các em lẽ ra phải được học hành, vui chơi thay vì hàng ngày phải lo cái ăn và giữ mạng sống. Đã đến lúc, những người sống trong thế giới hòa bình cần ngẩng mặt lên khỏi điện thoại để nhìn bức ảnh cậu bé Omran hay những em bé Syria cầm tranh Pokemon.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.