Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước mắt ngày gặp mặt

Nguyễn Bắc Sơn| 21/11/2015 06:42

(HNM) - Cuộc gặp mặt giữa đoàn cán bộ, chiến sĩ cơ sở nội thành Ban Trí vận, Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định với lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP Hà Nội trưa 10-11-2015 diễn ra trong xúc động.

Phát biểu đầu tiên, ông Kiều Xuân Long, Trưởng ban Liên lạc các cựu thành viên Trí vận, nguyên Chánh văn phòng Ban nghẹn ngào: “Không phải chỉ vì Hà Nội - Huế - Sài Gòn kết nghĩa mà là vì sống trong lòng địch hay ngoài căn cứ, tâm trí mỗi người chúng tôi đều hướng về Hà Nội, máu trong huyết quản chúng tôi đều chảy về tim Hà Nội”.

Đoàn cán bộ, chiến sĩ cơ sở nội thành Ban Trí vận (Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) viếng Đài tưởng niệm Khâm Thiên.


Trong 24 cựu Trí vận, ông Nguyễn Văn Trang ít tuổi nhất, chiến sĩ giao liên cũng là chiến sĩ đại đội vũ trang bảo vệ đường dây đưa đón cán bộ, chuyển tài liệu từ chiến khu vào nội đô, đang làm việc những ngày tháng cuối đời công chức ở quận Tân Bình sinh năm 1956. Người cao tuổi nhất trong đoàn là bác Phan Thị Nở tham gia cách mạng khi 16 tuổi, hoạt động liên tục trong phong trào đấu tranh chính trị yêu nước của giáo giới và trí thức Sài Gòn từ năm 1950, đã 65 tuổi Đảng. Người phụ nữ Sài Gòn - miền Nam trông phúc hậu ấy đã 3 lần bị địch bắt tra tấn tù đày (1950, 1956, 1969), nhưng vẫn đấu tranh thầm lặng kiên cường trong gông cùm của địch, một lòng trung kiên không làm lộ bí mật tổ chức và cán bộ lãnh đạo của Thành ủy Sài Gòn đang hoạt động ngay trong nội thành. Ra tù, bà vẫn luôn sát cánh với giáo giới bám trụ hoạt động giữa trung tâm thành phố và có mặt trong lực lượng chính trị nội thành của Trí vận tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, họ đã góp phần bảo vệ được nguyên vẹn toàn bộ cơ ngơi giáo dục đồ sộ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn góp phần quan trọng cho năm học đầu tiên của Cách mạng vẫn khai giảng đúng tháng 9-1975 tại TP Hồ Chí Minh.

Nhiều người trong họ lần đầu đi máy bay, lần đầu ra Thủ đô, lần đầu đặt chân lên đất thiêng Thăng Long, lần đầu tận mắt nhìn thấy làn nước xanh thiêng Hồ Gươm, Hồ Tây, nước đỏ Sông Hồng, lần đầu kính cẩn chiêm bái Lý Thái Tổ, người ban chiếu dời đô từ Hoa Lư ra… “nơi trung tâm mưu toan việc lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau… được ở thế rồng cuộn hổ ngồi, vị trí giữa bốn phương đông, tây, nam, bắc, tiện hình thế núi sông sau trước…”.

Hỏi làm sao không nghẹn ngào nước mắt?

Khách tặng chủ nhà tấm ảnh lịch sử: Bác sĩ Trần Duy Hưng Chủ tịch UBND TP Hà Nội và bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội, vào thăm TP Hồ Chí Minh những ngày đầu giải phóng đang ôm hôn Giáo sư Nguyễn Văn Chì, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TP Hồ Chí Minh.

Lịch sử hoạt động của đội ngũ trí thức yêu nước cách mạng Sài Gòn - Gia Định được ghi lại trong bộ sách “Nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc” (Kỷ yếu truyền thống Ban Trí vận, Mặt trận Sài Gòn - Gia Định). Tập 1, giai đoạn 1945-1954: Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn đã thành lập chi bộ Trí thức (12-1947) do các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thọ Chân, Hà Huy Giáp trực tiếp chỉ đạo, có trách nhiệm vận động trí thức, nhân sĩ, giáo chức, tôn giáo, tư sản dân tộc.

Tập 2, giai đoạn 1954-1975 là thời kỳ rực rỡ nhất: Ban Trí vận Sài Gòn - Gia Định được thành lập với những hoạt động công khai hợp pháp đã chuẩn bị lực lượng nhân sự chính trị quan trọng cho việc ra đời Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960). Với Nghị quyết Trung ương 15 mở đường cho cách mạng đồng khởi kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, theo phương châm: Hai chân (quân sự chính trị), Ba mũi giáp công (quân sự chính trị, binh vận) trên ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn, thành thị).

Khác với cuộc kháng chiến chống Pháp lấy nông thôn bao vây thành thị, kết thúc chiến tranh bằng trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ. Cuộc kháng chiến lần thứ hai có những sáng tạo chưa từng có tiền lệ trên thế giới.

Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí Lê Duẩn không tập kết mà ở lại, ngay phường Đa Kao, Quận 1, Sài Gòn cùng Xứ ủy Nam kỳ. Những ngày tháng nằm vùng ngay giữa “thủ đô Việt Nam Cộng hòa”, trực tiếp nắm tình hình qua hệ thống đường dây bí mật của hệ thống các cơ quan tham mưu trong đó có Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam kỳ (ông Trần Bạch Đằng phụ trách), Ban Trí vận (bà Phạm Thị Yên - Trưởng ban…) thành lập một hệ thống các chi bộ thuộc các giới chuyên môn: giáo học tư thục, bác sĩ, kĩ sư, kiến trúc sư, luật sư, nghệ sĩ… Đồng chí Lê Duẩn còn nắm tình hình qua hệ thống thông tin đại chúng ở Sài Gòn vốn có truyền thống tự do, nhất là các báo đối lập phản ánh rất kịp thời cuộc sống sôi động ở Sài Gòn. Nhờ thế, và với mẫn cảm chính trị, ông nhận ra người Sài Gòn nhất là tầng lớp trí thức không phải ai cũng có lối sống trùm chăn, đa số vẫn khao khát hòa bình độc lập cho đất nước, thống nhất dân tộc, tự do cho mọi người. Nếu biết vận động tập hợp lại sẽ thành một lực lượng. Chính nhờ hoạt động của lực lượng này trong xã hội kể cả giới Phật tử dẫn đến vụ tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức ngày 18-6-1963, phong trào phản chiến lan tới cả nước Mỹ mà có ngọn lửa Môrixơn chiều 2-11-1965, một tuần sau lại ngọn lửa tự thiêu của Allen Larorte trước trụ sở Liên hợp quốc.

Những cuộc phản đối chiến tranh đã buộc nhà cầm quyền phải suy nghĩ. Cố đấm ăn xôi và thất bại trong trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội họ mới chịu ký Hiệp định Pari, cuốn cờ rút khỏi Việt Nam, mặc cho Việt Nam Cộng hòa tự xoay xỏa… Đòn ngoại giao, đòn chính trị hỗ trợ đắc lực cho đòn quân sự với cả ba thứ quân, kể cả đội quân tóc dài đã dồn quân đội Sài Gòn vào thế rút lui…

Chính nhờ hoạt động có hiệu quả của lực lượng chính trị tại chỗ - cánh quân thứ 6 này mà ta đã vận động được Đại tướng Dương Văn Minh ra nhận chức Tổng thống, để ông ta... chọn luật sư Triệu Quốc Mạnh (cũng người của Trí vận) làm Đô trưởng cảnh sát Sài Gòn, ra lệnh cho lực lượng cảnh sát không được nổ súng… chờ thương thảo với Mặt trận Giải phóng đã góp phần để 5 cánh quân giải phóng thần tốc tiến vào nội đô bớt thương vong.

…Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi tiếp đoàn đã thốt lên: Ở trong ấy (ông nguyên là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) tôi có biết đại thể thành tích hoạt động của Ban Trí vận, như một rừng cây sum suê tươi tốt, giờ mới được gặp từng cây, những nhân chứng lịch sử, mong rằng các cô, các chú tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết trong công cuộc xây dựng đất nước…

… Vào viếng Bác. Nhiều nước mắt ướt đẫm trên những gương mặt một đời ngưỡng mộ, ngưỡng vọng Người, giờ chỉ còn được ngắm Người ngủ ngon giấc ngàn thu mà không toại nguyện được vào miền Nam thăm đồng bào ruột thịt lúc nào cũng ở trong tim mình… Viếng chiến sĩ vô danh cũng là đương nhiên, nhưng thắp nhang tri ân những người dân làng Khâm Thiên hy sinh trong trận Mỹ ném bom rải thảm Noel 1972 thì nhiều người Khâm Thiên thấy lạ. Chỉ những người con cùng mẹ Âu Cơ máu chảy ruột mềm mới đến thắp hương, trong tiếng đàn phong cầm của nhà giáo Trí vận Bình Minh tấu bài nhạc buồn Hồn tử sĩ, rồi thúc giục đi tới với Tiếng gọi thanh niên… Khải hoàn ca, Ngày mai tươi sáng của những ngày đầu cách mạng, cả nước vẫn hát, làm chính người Hà Nội như tôi phải xấu hổ vì chưa một lần vào đây thắp hương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nước mắt ngày gặp mặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.