Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nước đến chân”, người dân cân nhắc kỹ

Vũ Anh| 15/06/2014 04:27

(HNM) - Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất (số hóa truyền hình mặt đất) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2011.



Theo lộ trình, ở giai đoạn 1 - đến cuối năm 2015, các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương sẽ chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại các thành phố thuộc nhóm 1 - bao gồm Hà Nội (cũ), Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Hiện nay, việc thực hiện đề án đã bắt đầu có ảnh hưởng trực tiếp đến người xem truyền hình, vấn đề đặt ra là người dân đã hiểu đầy đủ về nội dung đề án cũng như có khả năng lựa chọn giải pháp sử dụng thiết bị và dịch vụ truyền hình phù hợp với điều kiện cụ thể của mình hay chưa?

Số hóa truyền hình mặt đất là đề án phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành truyền hình nhưng cần tính toán phù hợp với người sử dụng. Ảnh: Thanh Hải


Số hóa truyền hình mặt đất là một đề án phù hợp với xu thế phát triển chung của truyền hình thế giới. Điều quan trọng là khi việc số hóa được hoàn thành ở Việt Nam, nó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước và lợi ích cụ thể, thiết thực đối với người sử dụng dù hiện nay không phải ai cũng tự giải đáp được câu hỏi là vì sao cần phải số hóa, vì sao phải mua máy thu hình mới khi chiếc ti vi trong nhà mình vẫn đang xem tốt. Vấn đề là Đề án số hóa truyền hình mặt đất có ảnh hưởng cụ thể như thế nào đối với người sử dụng ở Việt Nam? Các hộ gia đình có nhất thiết phải thay đổi thiết bị thu - xem mà họ đang sử dụng hay sự thay đổi chỉ cần thiết với những nhóm nhất định dựa trên nhu cầu sử dụng cụ thể? Người dân nghèo có thể tiếp cận với dịch vụ truyền hình kỹ thuật số trong tương lai gần hay không? Tại sao nên mua ti vi có tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất theo chuẩn mới ngay từ bây giờ - điều đó đồng nghĩa với việc phải chi ra một khoản tiền tăng thêm?...

Điều đầu tiên, truyền hình kỹ thuật số có khả năng thu tín hiệu cho chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn truyền hình analog mà đa số gia đình Việt Nam đang sử dụng. Thứ hai, truyền hình số đem lại hiệu quả sử dụng tần số tốt hơn, nói nôm na là giúp tiết kiệm băng tần dành cho phát sóng truyền hình, phần dôi dư đó sẽ được sử dụng vào việc khác, chắc chắn đem lại lợi ích kinh tế - xã hội. Về mặt ảnh hưởng của việc thực hiện số hóa truyền hình mặt đất, các chuyên gia tin rằng quá trình đó không gây bất lợi lớn cho người dân, về lâu dài đa số được hưởng lợi. Theo tính toán hiện nay, ở Việt Nam có hơn 12 triệu hộ gia đình sử dụng thiết bị xem truyền hình bằng cách thu sóng thông qua anten dàn, khoảng 5 triệu hộ có hợp đồng thuê bao truyền hình trả tiền (cáp hoặc số vệ tinh) và gần bằng số đó sử dụng đầu thu kỹ thuật số mặt đất không phù hợp chuẩn mới. Trong số liệu nói trên, những hộ đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền không cần phải thay đổi thiết bị nếu không phát sinh nhu cầu khác; với số còn lại, việc chuyển đổi thiết bị và công nghệ là cần thiết, nhưng chuyển ở mức độ nào thì phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của họ trong tương lai.

Đề án được phê duyệt đã lâu, nhưng chỉ đến đầu năm nay mới bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, đầu tiên là với việc chọn mua ti vi và chọn dịch vụ truyền hình. Theo quy định chung, kể từ ngày 1-4-2014 vừa qua, các loại ti vi sử dụng công nghệ màn hình LCD, LED… và các công nghệ màn hình tiếp theo có kích thước màn hình trên 32 inches, được sản xuất ở trong nước cũng như nhập khẩu vào Việt Nam đều phải tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DVB-T2, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4 phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Một năm sau đó, từ ngày 1-4-2015, quy định nói trên sẽ áp dụng với các loại ti vi có kích thước màn hình từ 32 inches trở xuống.

Không phải ai cũng hiểu rõ quy định trên, đặc biệt là quy định đó có ảnh hưởng trực tiếp tới mình như thế nào. Đến giữa tháng 6 vừa qua, tại một loạt siêu thị điện máy trên đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, khi được hỏi đang chọn loại ti vi gì, gia đình đang sử dụng loại dịch vụ truyền hình nào, một số khách hàng cho biết họ tìm mua loại ti vi có tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất và hiện gia đình đang ký hợp đồng thuê bao truyền hình cáp hoặc truyền hình số vệ tinh. Vài người khác trả lời rằng mình đến đây đơn giản là tìm mua một chiếc ti vi có màn hình lớn hơn để tiện theo dõi World Cup 2014, có nghe nói về Đề án số hóa và tin rằng tất cả ti vi được bày bán ở đây đều phù hợp với quy định mới… Đó rõ ràng là cách hiểu không đầy đủ về một đề án có tính cách mạng trong ngành truyền hình Việt Nam, có thể dẫn đến sự thiệt hại về mặt kinh tế đối với gia đình mình. Thực tế là không phải tất cả các thiết bị thu - xem đều phù hợp với quy định mới (được hiểu là loại hàng tồn vẫn còn được tiêu thụ ở nhiều điểm kinh doanh hàng điện máy). Nếu người tiêu dùng ở các thành phố thuộc nhóm 1, như đã dẫn ở trên, mua loại ti vi không theo chuẩn DVB - T2 thì nhiều khả năng họ sẽ phải mua thêm đầu thu kỹ thuật số hoặc chọn thuê bao truyền hình cáp nếu muốn xem được các chương trình truyền hình kể từ đầu năm 2016 dù nhu cầu chỉ là xem các kênh truyền hình quảng bá mà thôi.

Nói vậy là bởi một yêu cầu đặt ra trong hành trình thực hiện Đề án số hóa truyền hình mặt đất là không làm gián đoạn khả năng theo dõi đủ các kênh truyền hình quảng bá mà các đài truyền hình ở Việt Nam đang cung cấp cho người xem, đặc biệt là sau khi dừng phát sóng hệ analog. Điều mà người dùng cần biết là khi lộ trình triển khai thực hiện đề án được hoàn thành đối với từng khu vực được quy định cụ thể, kết thúc toàn bộ vào năm 2020, không phải hộ gia đình nào cũng tính chuyện chuyển đổi công nghệ. Những người đang sử dụng loại ti vi không tích hợp DVB - T2 có thể mua thêm bộ đầu thu để tiếp sóng thay vì mua ti vi mới. Các hộ gia đình có ti vi tích hợp theo chuẩn mới có thể không cần mua bộ giải mã nếu nhu cầu chỉ là xem các kênh truyền hình mà các đài phát không khóa mã nhằm phục vụ yêu cầu tuyên truyền. Theo thông tin mới nhất, tính tới đầu tháng này, những gia đình ở Hà Nội sử dụng ti vi số chuẩn DVB - T2 có thể thu được 29 kênh quảng bá, bao gồm 3 kênh phát với chất lượng HD mà không cần đầu thu, không phải trả tiền thuê bao.

Tuy vậy, vì lợi ích lâu dài, giải pháp tốt nhất với người tiêu dùng vẫn là sử dụng ti vi hoặc đầu thu theo chuẩn mới ngay khi có điều kiện, nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận chương trình truyền hình chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nước đến chân”, người dân cân nhắc kỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.