Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước đã qua chân

Thế Phương| 15/12/2010 06:32

(HNM) - Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Cancun (Mexico) không giải quyết nổi bất đồng gay gắt giữa những nước công nghiệp phát triển và đang phát triển. Các đoàn đàm phán phải thảo luận nước rút suốt đêm để đưa ra được một thỏa thuận mà giới phân tích quốc tế cho rằng chưa đáp ứng được mong mỏi.


Bất đồng không dễ khỏa lấp bởi nhiều lý do, nhưng rõ ràng biến đổi khí hậu là thảm họa toàn cầu và những nghiên cứu được đưa ra tại hội nghị này rất đáng quan tâm. Đó là từ năm 2030, thảm họa môi trường này sẽ gián tiếp gây tử vong cho một triệu người mỗi năm và gây thiệt hại đến 157 tỷ USD. Hơn 50 quốc gia trong những nước nghèo nhất thế giới là nạn nhân.

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh mẽ tới Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long - hai vựa lúa lớn nhất nước. Nếu mực nước biển dâng cao hơn 1m (và điều này chắc chắn sẽ xảy ra vào cuối thế kỷ này) thì 40.000km2 (tương đương diện tích lãnh thổ với Vương quốc Đan Mạch) đất của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhấn chìm trong nước. Lúc đó, không biết quốc gia đứng thứ hai về xuất khẩu gạo sẽ ra sao, chưa kể đời sống của 14 triệu dân trong vùng bị ảnh hưởng và vô vàn hệ lụy có thể nảy sinh.

Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu không còn là lời cảnh báo, thực tế thảm họa này đang đè nặng lên toàn bộ đời sống xã hội. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang có khuynh hướng gia tăng cả cường độ và tần suất. Lũ chồng lên lũ, tang thương trùm lên khúc ruột miền Trung những ngày tháng mười vừa qua là ví dụ điển hình. Chưa kể tình trạng hạn hán liên tục và kéo dài, mực nước sông Hồng và sông Cửu Long vào mùa kiệt xuống mức thấp nhất trong lịch sử 100 năm qua. Rồi bệnh dịch phát sinh… Và, đau xót nhất là những người nông dân một nắng hai sương đành bó tay nhìn mùa màng thất bát mà không lý giải nổi nguyên nhân… Ngay ở Thủ đô Hà Nội, nơi đức Thái tổ Lý Công Uẩn chọn làm đất "định đô muôn đời" cho con cháu cũng phải đối mặt với "hiệu ứng đảo nhiệt", khiến nhiệt độ cao hơn các vùng xung quanh, có thể đạt những kỷ lục mới, mùa nóng dài ra cùng sự gia tăng các đợt và số ngày nắng nóng...

Tóm lại hệ lụy của biến đổi khí hậu không thể cân đong, đo đếm.

Thủ tướng Chính phủ đã thông qua kịch bản chống biến đổi khí hậu, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu và cụ thể hóa thành hệ thống giải pháp để điều chỉnh chiến lược phát triển. Chống biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam. Vấn đề đáng nói là không phải ai cũng nhận thức đầy đủ về thảm họa này, thậm chí ngay cả những người hoạch định chính sách ở nhiều bộ, ngành. Nhiều người vẫn coi đó chỉ là vấn đề của môi trường. Nếu có bộ, ngành, địa phương nào đó quan tâm đến vấn đề này thì những kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu vẫn chỉ nằm trên bàn giấy hoặc đóng khung ở những ý tưởng.

Biến đổi khí hậu tác động và gây tổn thương nặng nề đối với xã hội, thảm họa môi trường đã hiện hữu, nếu không muốn nói chúng ta đã phải trả giá đắt cho những hệ lụy của nó. Vì vậy, vấn đề cấp bách là cần phải hình thành một cơ chế và những chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu trong một chương trình hành động liên ngành, có sự đóng góp tích cực của cộng đồng. Đồng thời chuyển tải thành những hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi người dân.

"Nước" đã qua "chân", nếu không có những hành động khẩn trương, cụ thể, chúng ta sẽ tiếp tục phải trả giá đắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước đã qua chân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.