Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước cứng

Khải Phương| 13/03/2018 07:06

(HNM) - Nước cứng là loại nước tự nhiên có chứa nhiều ion canxi và magie. Tổng hàm lượng ion canxi và magie đặc trưng cho tính chất cứng của nước.

Trong thiên nhiên có rất nhiều nguồn nước có độ cứng thấp, ví dụ: Nước mưa, nước sông, ao, hồ ở đồng bằng. Còn nước suối và ao hồ ở những vùng núi đá vôi lại có độ cứng khá cao, đặc biệt là nước ngầm. Nước máy ở Hà Nội có độ cứng tạm thời từ 250 đến 320mg/l. Nước giếng khoan (chưa xử lý) ở Hà Nội có độ cứng tạm thời từ 250 đến 450mg/l.

Ảnh: Internet


Khi giặt, nước cứng gây tốn nhiều xà phòng hơn. Nước cứng còn gây hiện tượng đóng cặn trắng trong thiết bị đun, ống dẫn nước nóng, thiết bị giải nhiệt hay lò hơi. Khi độ cứng của nước vượt quá 50mg/l thì trong các thiết bị đun nấu sẽ xuất hiện cặn trắng. Lượng canxi và magie vào cơ thể quá nhiều sẽ gây bệnh sỏi thận.

Độ cứng của nước được gọi là độ cứng tạm thời khi nước chứa các loại muối axit yếu như muối carbonat của các ion canxi và magie. Loại nước này có thể làm mềm bằng cách đun sôi. Độ cứng vĩnh cửu của nước do các loại muối sunfat hoặc clorua canxi, magie tạo ra. Loại muối này thường khó xử lý.

Để làm mềm nước, người ta dùng các phương pháp sau: Pha các hóa chất khác nhau vào nước để kết hợp với ion canxi và magie tạo thành các hợp chất không tan trong nước; đun nóng nước; trao đổi ion bằng cách lọc nước cần làm mềm qua lớp lọc cationit có khả năng trao đổi canxi hoặc magie... Phương pháp tổng hợp là phối hợp 2 trong 3 phương pháp trên. Ngoài ra, nước cứng còn được lọc qua màng bán thấm, thẩm thấu ngược (lọc RO).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước cứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.