(HNM) - Cơn địa chấn xã hội bùng phát ở Trung Đông và Bắc Phi đang làm rung chuyển và biến dạng cấu trúc địa - chính trị của khu vực. Những nhà lãnh đạo mới hôm nào vẫn là trụ cột của thế giới Arab như Ben Ali ở Tunisia, Hosni Mubarak ở Ai Cập đã bị buộc trở thành thường dân một cách chớp nhoáng.
Nay, những người đồng nhiệm khác như Muammar Gadhafi ở Libya, Ali Abdullah Saleh ở Yemen hay Abdelaziz Bouteflika ở Algeria đang phải vật lộn trong ranh giới mong manh giữa được và mất. Còn những quốc gia có nền quân chủ như Arab Saudi, Bahrain, Jordani, Morocco, Oman cũng không khỏi chao đảo vì dư chấn.
Libya đang phải chứng kiến những cuộc xung đột đẫm máu. |
Đến giờ phút này vẫn chưa rõ có phải phương Tây đứng đằng sau làn sóng nổi loạn hay không nhưng rõ ràng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tỏ ra sốt sắng nhất với những gì diễn ra ở bờ Nam Địa Trung Hải. "Cỗ máy quân sự" lớn nhất hành tinh đã chuyển động và không ngần ngại công khai quan điểm ủng hộ phe đối lập Libya bằng những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm tạo sức ép "hạ bệ" nhà lãnh đạo M.Gadhafi.
Ngày 10-3, sau trận chiến khốc liệt nhất trong vòng 3 tuần qua với quân đội ủng hộ Chính phủ Libya khiến lực lượng nổi dậy mất đi một số cứ điểm quan trọng, NATO và Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp trong hai ngày để thảo luận chi tiết về kế hoạch thiết lập vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này. Giống như tại Iraq trước đây, vùng cấm bay được xem như một biện pháp yểm trợ lực lượng chống đối, ngăn không cho không quân của Đại tá M.Gadhafi thực hiện các cuộc oanh kích nhằm giành lại quyền kiểm soát ở những khu vực bị phe nổi dậy chiếm giữ. Trước đó, NATO đã điều động máy bay giám sát vùng trời Libya suốt 24/24 giờ. Tuy nhiên, đây là một cuộc thảo luận không dễ dàng khi nhiều thành viên NATO chưa sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm trước hậu quả mà các hoạt động quân sự mới có thể gây ra trong lúc còn "ngập" trong "vũng lầy" ở Iraq và Afghanistan. Vì áp đặt vùng cấm bay từ một loạt tàu sân bay và các căn cứ ở Địa Trung Hải có thể làm cho tình hình trở nên phức tạp đối với Mỹ và các nước đồng minh. Họ phải tiến hành những cuộc không kích nhằm vào hệ thống phòng không của Tổng thống M.Gadhafi và đặt phương Tây vào thế nguy hiểm, kích động xung đột quân sự trong thế giới Hồi giáo.
Mặc dù nhiều quốc gia muốn thay đổi cân bằng sức mạnh quân sự giữa lực lượng của M.Gadhafi và lực lượng nổi dậy, nhưng việc bảo vệ dân thường phải là lý do chính đối với bất kỳ kế hoạch cấm bay nào. Trong khi đó, xét tình hình hiện nay, cuộc nổi dậy tại Libya đang có xu hướng đẫm máu nhất sau một loạt cuộc biểu tình của dân chúng tại Trung Đông và Bắc Phi.
Do đó, không ai dám chắc rằng tình hình Libya sẽ khá hơn những tấm gương hiện hữu như Iraq và Afghanistan. Vì "di sản" mà Tổng thống M.Gadhafi để lại sẽ là một quốc gia hầu như không có những cơ cấu thích hợp cho một tiến trình quá độ yên bình sau 4 thập kỷ Libya theo đuổi một thể chế chưa có tiền lệ. Đây là lý do khiến nhà phân tích Trung Đông Philip McCrum đưa ra cảnh báo rằng, bất cứ thời kỳ hậu Gadhafi nào cũng đầy rẫy những bất ổn. Ở Libya, không có phe đối lập có tổ chức đủ mạnh; không có các thể chế dân sự để quy tụ người dân. Các nhóm đối lập lưu vong ở nước ngoài thì nhỏ lẻ. Sẽ mất nhiều thời gian để hình thành một trật tự mới, trong khi những căng thẳng chính trị sẽ tăng cao do nhiều tổ chức khác nhau như các bộ lạc, quân đội, người Hồi giáo và những người thuộc phái tự do tranh giành quyền lực.
Bản thân Hoa Kỳ - cây gậy chỉ huy của NATO dù ủng hộ thiết lập vùng cấm bay cũng nơm nớp trước sự trỗi dậy của một lớp lãnh tụ Hồi giáo mới đang còn là ẩn số. Nếu những "ẩn số mới" lại ngả sang phía những lực lượng chống đối đang cầm súng ở Afghanistan hay Iraq thì, cánh cung Arab sẽ là thách thức đặc biệt nghiêm trọng với phương Tây.
Bằng sức mạnh quân sự hiện có, không ai nghi ngờ Mỹ và các đồng minh có thể lật đổ Tổng thống M.Gadhafi. Thế nhưng, sau một thập kỷ chia sẻ khói súng kể từ vụ khủng bố 11-9 ở Mỹ, NATO hẳn không mặn mà khi can dự nhằm "kết liễu" một chính quyền nữa ở tận châu Phi, vì đó sẽ là canh bạc quá nhiều rủi ro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.