Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước chưa đến chân, chưa nhảy

Đặng Loan| 15/05/2010 07:04

(HNM) - Từ ngày 20-5, TP Hồ Chí Minh (cùng Thủ đô Hà Nội) được thực hiện thí điểm tăng nặng mức xử phạt vi phạm giao thông trong phạm vi nội thành theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương lắp đặt biển báo phân vùng nội, ngoại thành; trong khi đó những người đi đường vẫn khá "lạ lẫm" với quy định mới này.

Chọn phương án tối ưu

Theo quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh, phạm vi áp dụng thí điểm xử phạt tăng nặng là trên vành đai và toàn bộ các tuyến đường bên trong vành đai, trừ các tuyến đường (hoặc đoạn đường) thuộc địa bàn huyện hoặc ngoài địa bàn thành phố. Tuyến đường vành đai được xác định là quốc lộ 1A (bắt đầu từ nút giao thông Thủ Đức - Trạm 2) đi về hướng ngã tư An Sương - đại lộ Nguyễn Văn Linh - đường dẫn vào cầu Phú Mỹ - cầu Phú Mỹ - vành đai Đông - đường Nguyễn Thị Định - xa lộ Hà Nội - nút giao thông Thủ Đức.

Sơ đồ phạm vi nội, ngoại thành (bên trong đường in đậm là khu vực xử phạt nội thành).

Theo ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT, phương án này đã được cân nhắc rất kỹ từ 3 phương án đưa ra ban đầu. Theo đó, phương án 1 bao gồm tất cả 19 quận, huyện nội thành. Ưu điểm của phương án này là dễ nhận biết ranh giới của phạm vi xử phạt tăng nặng, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) thuận lợi trong việc tuần tra xử phạt và không phải lắp đặt quá nhiều biển báo thông báo. Tuy nhiên, nhược điểm là phạm vi thực hiện lớn nhưng lại không bao gồm những địa bàn có tình hình giao thông phức tạp như các quốc lộ 1, 50, 22 và một số đường phố chính ở các huyện ngoại thành như tỉnh lộ 10 (huyện Bình Chánh), Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè…). Phương án 2 được áp dụng phạm vi như phương án 1 và có bổ sung thêm các tuyến đường có tình hình giao thông phức tạp như đã kể trên. Tuy nhiên, phạm vi thực hiện quá lớn và khối lượng biển báo lắp đặt quá nhiều nên không được chọn.

Với phương án 3 (đã được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận) cũng có nhược điểm là không bao gồm một số khu vực thuộc các quận nội thành có tình hình giao thông phức tạp như quận 2, 7, Bình Tân, Thủ Đức và toàn bộ quận 9. Tuy nhiên, phương án này có nhiều ưu điểm như cơ bản hình thành trên một phần đường Vành đai 1 (trước đây là Vành đai 2) theo quy hoạch giao thông thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có kế thừa giới hạn khu vực nội đô để hạn chế xe tải và mở rộng thêm một phần về phía bờ đông sông Sài Gòn để phù hợp với tình hình giao thông hiện nay. Bên cạnh đó, phạm vi xử phạt nhỏ hơn phương án 1 và 2, thuận lợi cho công tác tuần tra, xử phạt của các đơn vị chức năng ở thời gian thí điểm và khối lượng biển báo cần lắp đặt chỉ có ở 86 giao lộ.

Chưa thấy phạt, chưa biết… sợ!

Thời gian thí điểm xử phạt ở TP Hồ Chí Minh sẽ được tiến hành trong 3 năm (từ ngày 20-5-2010 đến 20-5-2013). Tuy nhiên, ngày áp dụng mức phạt tăng nặng đã đến gần nhưng phần đông người dân vẫn chưa biết hoặc biết nhưng vẫn chờ với tâm lý "chưa phạt, chưa sợ"! Tình trạng xe gắn máy, thậm chí cả xe ô tô đi vào đường cấm, đường ngược chiều vẫn còn nhiều. Chỉ quan sát 30 phút tại đường Bà Huyện Thanh Quan đã có hàng chục xe gắn máy rẽ trái vào đường Võ Văn Tần (đường một chiều). Tình trạng cũng tương tự với các đường một chiều Trần Quốc Thảo, Nguyễn Đình Chiểu… Với các lỗi đi vào đường ngược chiều, đường cấm này, từ ngày 20-5 mức phạt sẽ là 300.000 - 500.000 đồng thay vì chỉ 100.000 - 200.000 đồng như hiện nay. Một vi phạm phổ biến nữa là người đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định, vượt dải phân cách. Theo quy định mới, hành vi này sẽ bị phạt đến 120.000 đồng (mức phạt cao nhất trước đây là 80.000 đồng). Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn vô tư băng qua đường ở các khu vực chợ, công ty, trường học… vì không biết quy định mới, hoặc biết nhưng vẫn vi phạm vì từ trước đến nay chưa bị… phạt! Vào buổi tối, trên các tuyến Đại lộ Đông Tây, cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội… hàng loạt xe gắn máy vẫn rồ ga phóng như bay bất chấp những người đi đường khác, dù Nghị định 34 quy định phạt từ 15 triệu đến 35 triệu đồng; kèm theo đó là các biện pháp tịch thu xe, tước giấy phép lái xe không thời hạn…

Ông Lê Toàn cho biết, Sở GTVT và Phòng CSGT đang khảo sát để lắp đặt biển báo tại 86 giao lộ với nội dung "Phạm vi áp dụng xử phạt thí điểm theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ" để người dân biết và thực hiện. Lực lượng CSGT cũng đang được tập huấn để tiến hành xử phạt theo nghị định mới. Trong những ngày này, khi xử phạt vi phạm giao thông, CSGT cũng nhắc nhở các phương tiện vi phạm về Nghị định 34 sẽ được áp dụng trong vài ngày tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước chưa đến chân, chưa nhảy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.