(HNMO) - Một ngọn núi lửa ở miền tây Indonesia đã phun nham thạch và cát nóng lên trời sau 400 năm
Sự phun trào của ngọn núi lửa Sinabung ở miền bắc tỉnh Sumatra đã đẩy cát và bụi lên độ cao tới 1,5km nhưng nham thạch thì chỉ chuyển động ở gần miệng núi lửa, Surono, nhà núi lửa học của chính phủ nước này cho biết.
Những tiếng ầm ầm đã bắt đầu phát ra từ vài ngày trước và đợt phun trào nhỏ xuất hiện vào sáng sớm ngày hôm qua, 29/8, đã gần như ngừng lại. Nó không gây ra bất cứ tổn thất nào, "chỉ có bụi bao phủ cây cối", Surono cho biết.
Cũng theo ông Surono, ngọn núi Sinabung đã ngừng phun trào từ năm 1600 nên các nhà quan sát không biết mô hình phun trào của nó và đang giám sát nó chặt chẽ.
Việc sơ tán khỏi các sườn núi lửa đã bắt đầu từ hôm 27/8 khi ngọn núi lửa bắt đầu có dấu hiệu hoạt động. Hơn 10.000 người di tản hiện đang sống trong các tòa nhà chính phủ, các nhà thờ và những trung tâm sơ tán khác ở 2 thị trấn kế bên.
Chính phủ Indonesia đã phát 7.000 mặt nạ cho những người lánh nạn và đã thiết lập những bếp ăn tập thể để mọi người có thể nấu nướng, ông Priyadi Kardono, phát ngôn viên của cơ quan điều khiển thảm họa quốc gia cho biết.
Indonesia, quần đảo lớn nhất thế giới, nằm trên vùng được gọi là "Vòng lửa", một hình cung các đường đứt gãy và núi lửa bao quanh Thái Bình Dương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.