Nhưng nếu người phụ nữ quá đảm đang lấn át cả vai trò của chồng thì họ được gì và mất gì? Không ai phủ nhận thực tế phụ nữ thời nay ngày càng giỏi giang. Nhưng khi “cái sự giỏi” ấy “phát” đến mức khỏa hào quang lấp cả... chồng thì mọi chuyện trở nên phức tạp hơn nhiều...
Sáng nào anh Hân cũng dắt chiếc xe máy ra cổng cho vợ đi làm. Chị Hà ăn mặc sang trọng, ngồi lên xe, nổ máy. Trước khi đi, chị còn quay lại dặn chồng đang đứng tần ngần đợi lệnh:
- Chốc nữa bọn thợ đến sửa bếp, anh bảo nó làm đúng những gì em dặn, nhớ chưa? Nếu phát sinh chuyện gì, cứ gọi vào máy di động hỏi em, đừng có tự ý thay đổi gì cả, không là chúng nó nhiễu sự đấy.
Thấy ông chồng cúi đầu như cố nhớ từng lời, “nữ tướng” đã toan phóng xe đi thì cô con gái út vội vàng chạy ra:
- Mẹ ơi, thế hôm nay con ghi tên vào học lớp tiếng Anh hay tiếng Pháp?
Chị Hà nói như quát:
- Tiếng Anh! Tối qua vừa nói xong lại hỏi.
Cô con gái phụng phịu:
- Nhưng bố bảo con nên học tiếng Pháp hơn!
- Bố mày thì biết gì!
Anh Hân ngượng với hàng xóm, lẳng lặng đi vào nhà. Chỉ một dãy độ chục nhà, khoảng mấy năm trở lại đây đã xuất hiện đến năm, sáu “nữ tướng” đầy quyền uy như vậy. Tất cả các ông chồng của họ đều “lép vế”, vì khi cần quyết định công to, việc lớn trong nhà, xem chừng tiếng nói của các ông thiếu cái mà người ta gọi là… trọng lượng. Quyền lực trong mỗi gia đình trong thời kinh tế thị trường này có xu hướng rơi vào tay người nào làm chủ về kinh tế?
Nhưng nếu người phụ nữ quá đảm đang lấn át cả vai trò của chồng thì họ được gì và mất gì? Dĩ nhiên họ sẽ có quyền uy hơn, nói một câu chồng con nghe răm rắp. Nhưng cái mà họ mất là gì? Đó là vẻ dịu dàng, hiền thục của người vợ, người mẹ. Liệu chồng có còn cảm thấy người vợ luôn “bé bỏng” và cần phải giúp đỡ, nâng niu, chiều chuộng không? Liệu có lúc nào anh ta cảm thấy mình bị lép vế và bị vợ coi thường không? Và liệu khi mất vai trò trong gia đình, đàn ông có đi khẳng định mình ở nơi khác không? Thực tế cho thấy, có những ông chồng vốn không phải là người “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật” nhưng vì sống bên người vợ quá “đảm đang”, tính cách quá mạnh mẽ luôn áp đảo chồng, khiến anh ta mất dần tư thế trước con cái, họ hàng, anh em và thế là anh ta nhường luôn quyền điều khiển gia đình cho vợ, trở thành “bù nhìn” lúc nào không biết.
Chúng ta đấu tranh cho bình đẳng nam nữ nhưng không ai mong muốn đàn ông thành đàn bà và đàn bà lại thành ra đàn ông. Những gia đình hạnh phúc chính là vợ chồng bình đẳng, tôn trọng nhau và không để chồng biến thành bù nhìn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.