Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nữ thanh niên xung phong - Ngày ấy, bây giờ

Dương Linh| 29/10/2022 06:27

(HNM) - Trong trận chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm khói lửa, có rất nhiều lực lượng tham gia để làm nên chiến thắng vang dội, trong đó có nhiều nữ thanh niên xung phong. Những ký ức về trận chiến oanh liệt đó đến nay vẫn hiển hiện rõ nét trong tâm trí của nhiều thế hệ người Hà Nội, cũng như những nữ thanh niên xung phong tham gia bảo đảm an toàn cho các đoàn xe, ứng cứu trong những ngày đêm không thể nào quên của 50 năm trước…

Bà Nguyễn Thị Bình (ngoài cùng bên trái) cùng các cựu thanh niên xung phong thăm gia đình hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong quận Long Biên làm kinh tế giỏi.

Ngược dòng ký ức

50 năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần đi qua phố Khâm Thiên, bà Nguyễn Thị Hoan (cựu thanh niên xung phong quận Ba Đình) vẫn hình dung được không khí tang thương ngày ấy. Phố Khâm Thiên sau trận rải thảm bom bằng máy bay B-52 của giặc Mỹ chỉ còn là một đống đổ nát.

Dù đã 70 tuổi, bà Hoan vẫn nhớ như in: “Thời điểm Mỹ ném bom Hà Nội, chúng tôi thuộc Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng Thủ đô (Thành đoàn Hà Nội) luôn phải trực chiến ứng cứu. Ban ngày chúng tôi lao động, sản xuất, đêm nằm hầm tập trung. Đêm đó là 26-12-1972, khi đang nằm hầm ở hồ Giảng Võ, đội nắp hầm rơm lên, tôi thấy bầu trời rực đỏ. Sớm hôm sau, chúng tôi được huy động đi ứng cứu phố Khâm Thiên. Khi tới nơi, đập vào mắt tôi là cả một khu phố đổ nát. Chúng tôi vội vàng tìm các hầm, đào bới và chứng kiến nhiều cảnh tượng đau xót. Hình ảnh người mẹ trên tay bế đứa con còn rất nhỏ và cả hai đều tắt thở đã ám ảnh tôi mãi. Tôi cùng đồng đội đưa 2 mẹ con đó ra khỏi hầm. Trên tay người mẹ còn cầm cái sắc nhỏ, trong có rất nhiều tiền. Sau đó, tôi và đồng chí Đại đội trưởng đã mang tới Công an phường Khâm Thiên nộp lại”.

Cũng như bà Hoan, hồi ức về những ngày đêm cứu trợ vẫn còn in đậm trong tâm trí bà Nguyễn Thị Toan (phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa). Bà Toan tham gia Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng Thủ đô từ năm 1971 ở Đội C4, lúc 17 tuổi. Trong những ngày B-52 rải thảm, bà được điều động đi ứng cứu, đưa bệnh nhân trong Bệnh viện Bạch Mai ra ngoài sơ tán. Bà Toan kể: “Được lệnh điều động đi ứng cứu ngay, chúng tôi quên cả ăn, ngủ, hết ở Bệnh viện Bạch Mai lại sang Nhà trẻ Kim Liên. Tuy vất vả, song tôi thấy mình may mắn còn sống, khỏe mạnh để được đi cứu người. Chứng kiến cảnh chết chóc, nhà cửa bốc cháy, trong lòng không khỏi xót xa, nhưng chúng tôi không hề nao núng”.

Dòng hồi ức của các cựu thanh niên xung phong trở về đầy ắp, xúc động. Những ngày diễn ra trận chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, cầu phao Đông Trù qua sông Đuống (thuộc địa phận Gia Lâm - Đông Anh) cũng bị ném bom ác liệt. Cô gái 17 tuổi Nguyễn Thị Bình đã tình nguyện nhập ngũ vào đơn vị Thanh niên xung phong C1-2771-N277 (Đội cầu 3, Bộ Giao thông - Vận tải), với nhiệm vụ tham gia bắc cầu phao.

Qua dòng hồi ức của bà, quá khứ 12 ngày đêm rực lửa hiện về nguyên vẹn: “Đơn vị của chúng tôi có nhiệm vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn xe vận chuyển hàng hóa qua cầu phao từ Hà Nội lên toàn tuyến phía Bắc. Đêm 23-12-1972, chúng tôi có hai tiểu đội trực cầu, gồm 25 đồng chí, trong đó có tôi. Khi đang kiểm tra trên cầu thì còi báo động, máy bay B-52 của Mỹ ném bom cầu phao. Chúng tôi vội vã di chuyển lên bờ để chạy vào hầm - nơi mọi ngày vẫn trú ẩn khi máy bay đến. Căn hầm cách mố cầu phao không xa, chừng vài chục mét và quả bom đã không trúng cầu phao mà trúng căn hầm đó. Nhưng rất may là nhờ sự sáng suốt của đồng chí đội trưởng, trong tích tắc đã chỉ đạo 25 người chúng tôi lên ẩn ở bốt băng ke trên đê, nếu không tất cả đã trúng bom. Những ngày sau đó, dù Mỹ tiếp tục bắn phá, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm giao thông đường thủy thông suốt”.

Quay trở lại 12 ngày đêm của trận chiến lịch sử đó, từ ngày 18 đến 30-12-1972, Mỹ sử dụng lực lượng không quân chiến lược với máy bay B-52 làm nòng cốt, ném bom rải thảm xuống Thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương khác ở miền Bắc, nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng… Trọng điểm là đêm 26-12, Mỹ đã ném bom dọc dãy phố Khâm Thiên, từ Ô Chợ Dừa đến hồ Hale (nay là hồ Thiền Quang). Chỉ sau một đêm, khu phố Khâm Thiên trở thành đống hoang tàn. “Với tinh thần và trách nhiệm của thanh niên xung phong, tôi cùng đồng đội cố hết sức tìm kiếm nạn nhân. Tôi chỉ mong sao mau hết chiến tranh, hòa bình được lập lại, để nhân dân có nơi chữa bệnh, con em chúng ta tiếp tục được đến trường”, bà Nguyễn Thị Toan ở phố Đặng Văn Ngữ tiếp lời.

Ngoài bà Hoan, bà Toan, bà Bình, còn rất nhiều nữ thanh niên xung phong đã từng sống, tham gia các công việc trong 12 ngày đêm mà chúng tôi không thể kể hết. Nhưng với họ, khi nhắc nhớ về trận chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn trào dâng niềm xúc động, nghẹn ngào…

Tiếp tục là tấm gương sáng

Hòa bình lập lại, những cô gái thanh niên xung phong năm đó vẫn tiếp tục phát huy tinh thần của tuổi trẻ, sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, tham gia công tác xã hội, làm những việc có ích cho đời.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, bà Nguyễn Thị Bình trở về địa phương. Bà từng là đại biểu HĐND xã Thạch Bàn; Bí thư chi bộ, kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Thạch Bàn (quận Long Biên)... Trên cương vị nào, bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến tháng 3-2021, bà được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong quận Long Biên. Sau khi nhận nhiệm vụ, bà đã chủ động cùng tập thể Ban Thường vụ xây dựng Quy chế hoạt động. Hiện, Quận hội Long Biên có 25 gia đình và hơn 50 hội viên làm kinh tế giỏi. Quỹ nghĩa tình đồng đội là 395 triệu đồng, cho hội viên vay để phát triển kinh tế không thu lãi...

Trong 11 năm ở Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng Thủ đô rồi trở về Cung Thiếu nhi Hà Nội công tác, bà Nguyễn Thị Hoan luôn kiêm nhiệm vai trò là Bí thư Đoàn phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình). Những năm đó, bà đã tuyên truyền, vận động rất nhiều thanh niên tham gia tình nguyện, xây dựng đất nước... "Tôi mong lớp trẻ ngày nay luôn làm những việc tốt, có ích cho xã hội, xứng đáng với căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên"", bà Hoan bày tỏ.

Nêu cao tinh thần của thanh niên xung phong "Lúc trẻ xông pha, về già mẫu mực", đến tuổi nghỉ chế độ, bà Nguyễn Thị Toan trở về địa phương tham gia rất nhiều công tác đoàn thể và từ năm 2014 đến nay là Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Trung Tự (quận Đống Đa). Bà Toan luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tự mình nêu gương sáng để thế hệ trẻ và con cháu noi theo.

Hôm nay, khi tuổi cao, nhưng những nữ thanh niên xung phong năm xưa vẫn đang truyền tiếp ngọn lửa nhiệt huyết, trách nhiệm cho thế hệ hôm nay. Họ sẽ mãi là tấm gương sáng để lớp trẻ thêm yêu và tự hào về một Thủ đô Hà Nội hào hoa, kiên cường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ thanh niên xung phong - Ngày ấy, bây giờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.