(HNM) - Do hoàn cảnh riêng, mãi tới năm 36 tuổi nhà thơ Anh Thơ mới lập gia đình. Chồng bà là bác sĩ Bùi Viên Dinh, công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô, trước đó đã có một đời vợ. Hôn lễ được tổ chức vào những ngày giáp tết nên mọi việc đều rất vất vả, cập rập. Bởi vậy mà vào một ngày chủ nhật cuối năm, dù đã sang chiều song đôi uyên ương vẫn nán nằm bên nhau tận hưởng dư vị hạnh phúc mới.
Ngoài trời mưa phùn lạnh. Bất chợt Anh Thơ nhớ tới mấy bài thơ tết các báo Văn nghệ, Phụ nữ, Thống nhất đặt, mà vì bận bịu chuyện riêng bà vẫn chưa làm được. Anh Thơ sốt ruột vùng khỏi chăn ấm, bảo chồng:
- Em phải dậy làm thơ Tết cho các báo đây. Anh cứ nằm ấm nhé.
Bác sĩ Dinh kéo vợ nằm xuống:
- Thì em nằm mà nghĩ thơ cũng được, chứ làm gì phải ra ngồi bàn cho lạnh?
Rồi ông âu yếm hôn vợ và nói:
- Anh có một kỷ niệm Tết ở chiến khu Đ. Để anh kể em nghe, nếu em thấy thích thì làm thơ cho báo Thống nhất... Em đã có đề tài về thống nhất chưa?
Anh Thơ thật thà:
- Em chỉ mới có đề tài về tết kháng chiến. Năm ấy ở vùng Lạng Sơn, cuối đông rồi phải đi vận động quần chúng ủng hộ tết bộ đội. Quần áo chỉ đựng vào một túi nhỏ. Em đi men rừng, nón chạm cả vào mây núi...
Nghe vợ kể nỗi nhọc nhằn của một thời xa, bác sĩ Dinh xúc động lặng đi. Rồi ông nắm chặt tay vợ, kể lại chuyện ông cùng trạm quân y của mình đón giao thừa trong rừng phương Nam, một đêm giao thừa không có gì ngoài tình cảm của những người cô đơn, bệnh tật dành cho nhau. Rồi ông kể cái tết đầu tiên ở miền Bắc mà ông chứng kiến, một cái tết với tiếng pháo và lời chúc Tết của Bác Hồ qua làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cái tết làm ông cồn cào nhớ quê Nam đang ngày đêm đấu tranh đòi thống nhất...
Nữ sĩ nghe chồng kể, reo lên: “Thế là anh đã cho em hai hình tượng và tâm tư của người bác sĩ phương Nam. Nhưng để hấp dẫn bạn đọc, em sẽ biến anh thành nữ nhé, người nữ quân y đẹp hơn...”.
Nói rồi nữ sĩ trở dậy, bước ra bàn. Bà viết một mạch xong bài thơ “Hai đêm giao thừa”. Đây là đoạn mở đầu bài thơ “Chị quân y rón bước/ Đi giữa lán thương binh/ Đêm giao thừa thao thức/ Từng bếp lửa rung rinh”. Đây là đoạn tiếp theo: “Đêm nay ran pháo nổ/ Thủ đô đón giao thừa/ Bệnh viện bừng hoa nở/ Ca nhạc ngát hương đưa”. Và đây là đoạn kết bài thơ, ghi lại hình ảnh người nữ quân y tận tâm với từng người bệnh: “Cúi mình bên giường bệnh/ Hai ánh mắt mơ màng/ - Chúng ta còn xây dựng/ Cho mùa xuân phương Nam”.
Viết xong bài thơ, nữ sĩ trao cho chồng, cám ơn ông đã góp ý cho bà viết được một bài về đề tài miền Nam.
Được một lát thì có người ở báo Thống nhất đến lấy bài. Bác sĩ Dinh vừa pha nước vừa trân trọng cầm lấy bài thơ của vợ, nói với người kia:
- Bài này Anh Thơ mới làm, chữ còn rối lắm, để tôi chép lại, sẽ đưa anh.
Người bạn đọc rồi vui mừng bắt tay bác sĩ Dinh, khuyên ông từ nay nên cung cấp cho vợ nhiều cảnh sống, chiến đấu ở miền Nam để chị làm thơ.
Bài thơ sau đó được in và nhà thơ Chế Lan Viên khi đến thăm vợ chồng Anh Thơ, đã có lời khen câu kết bài thơ là “tốt và hay”.
Thật là những ngày giáp tết nên... thơ của nữ sĩ Anh Thơ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.