Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nụ hôn bất tử

Kim Phượng| 16/08/2010 07:19

(HNM) - Nụ hôn bất ngờ trên Quảng trường Thời đại (Mỹ) đã trở thành bất tử khi khoảng 200 đôi nam nữ mang nhiều quốc tịch, tôn giáo, màu da và tuổi tác khác nhau đã hôn nhau ngày 15-8 để kỷ niệm 65 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Bức tượng "Nụ hôn" dựng theo nguyên tác ảnh trứ danh của A.Eisenstaedt.

(HNM) - Nụ hôn bất ngờ trên Quảng trường Thời đại (Mỹ) đã trở thành bất tử khi khoảng 200 đôi nam nữ mang nhiều quốc tịch, tôn giáo, màu da và tuổi tác khác nhau đã hôn nhau ngày 15-8 để kỷ niệm 65 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Và bức tượng mang tên "Nụ hôn" cao 8m theo phong cách hiện thực cổ điển đã được đặt ở một góc của giao điểm đường 44 và Broadway ở Mahattan, thành phố New York. Nổi bật trên nền trời xanh và không lẫn vào dòng người luôn như bất tận ở đây là nụ hôn nồng cháy của một thủy thủ và cô y tá như bức ảnh nổi tiếng trên trang bìa của Tạp chí Life lúc đó.

Ngày 14-8-1945, sau khi Tổng thống Mỹ Harry Truman tuyên bố phát xít Nhật đã đầu hàng, chiến tranh kết thúc, trên khắp nước Mỹ, người dân đổ ra đường để ăn mừng chiến thắng. Một chàng thủy thủ bất ngờ ôm hôn cô y tá không hề quen biết và đặt lên môi cô nụ hôn thắm thiết ngay trên Quảng trường Thời đại.
Nhà nhiếp ảnh Alfred Eisenstaedt của Báo Time đã may mắn ghi lại được khoảnh khắc lịch sử tuyệt vời đó. Bức ảnh của ông đã trở thành biểu tượng đánh dấu sự chấm dứt Chiến tranh thế giới lần thứ II sau khi xuất hiện trên Tạp chí Life tại Mỹ dưới cái tên "Victory over Japan Day in Time square" (Ngày chiến thắng Nhật Bản ở Quảng trường Thời đại).

Nhà nhiếp ảnh A.Eisenstaedt kể lại: "Trên Quảng trường Thời đại vào ngày V-J đó, tôi đã nhìn thấy một người lính thủy chạy dọc con phố và ôm chầm bất kỳ người phụ nữ nào anh ta nhìn thấy, bất kể già trẻ, béo gầy… Tôi chạy trước anh ta với chiếc máy ảnh Leica và quay lại để chụp nhưng không tấm nào khiến tôi ưng ý cả. Bất chợt trong giây lát, tôi nhìn thấy anh ta ôm lấy cái gì đó màu trắng. Tôi quay lại và bấm máy ngay khi người lính thủy hôn cô y tá với bộ đồ bệnh viện. Giờ đây tôi nghĩ, nếu cô ta mặc đồ tối màu, hay anh lính thủy mặc đồng phục trắng thì chắc tôi chẳng bao giờ chụp bức ảnh đó. Tôi đã bấm máy chính xác là bốn kiểu, vỏn vẹn trong có vài giây...”.

Tại thời điểm đó, cả hai nhân vật chính trong bức ảnh đều chưa được xác định danh tính. Mãi đến cuối năm 1970, khi cụ bà Edith Shain gửi tới nhiếp ảnh gia A.Eisenstaedt lá thư xác nhận chính xác rằng, chính bà là cô y tá trẻ trong bức ảnh. Lúc đó, Edith Shain đang làm việc tại Bệnh viện Doctor's Hospital ở New York City, trước khi trở thành giáo viên và lập gia đình ở California. Bà kể: "Hồi ấy tôi đang làm việc tại Bệnh viện Doctor's Hospital ở New York, khi nghe tin chiến tranh kết thúc, tôi cùng bạn bè tới Quảng trường Thời đại để ăn mừng. Khi tôi ra khỏi tàu điện ngầm và đi được một đoạn trên phố thì bất ngờ một người lính thủy ôm lấy và hôn tôi, cảm giác của tôi lúc đó là cứ để anh ta hôn vì nghĩ rằng anh ta đã chiến đấu cho mình...".

Đến tháng 10-1980, tức 35 năm sau khi bức ảnh ra đời, Tạp chí Life công bố đã có 11 người đàn ông và 3 phụ nữ tự nhận là nhân vật trong bức ảnh. Sau bà Edith Shain, mãi đến năm 2007 người ta mới xác định được nhân vật thứ hai là ông Glenn Mc.Duffie, khi ấy đã là cụ già 80 tuổi. Ông Glenn Mc.Duffie kể lại: "Ngày 14-8-1945, tôi đang đi tàu điện ngầm tới Brooklyn để thăm bạn gái. Khi ra khỏi tàu điện ngầm ở Quảng trường Thời đại cũng là lúc mọi người đang ăn mừng trên các con phố. Tôi cảm thấy rất phấn khích vì em trai tôi đang là tù binh ở Nhật sẽ được thả. Tôi bắt đầu hò reo và nhảy nhót. Một nữ y tá ở gần đó nhìn thấy tôi và giang rộng vòng tay về phía tôi. Tôi đi về phía cô ấy, ôm hôn cô ấy và nhìn thấy một người đàn ông cũng chạy về phía chúng tôi… Tôi đã nghĩ đó là chồng hay bạn trai cô ta đang ghen và chuẩn bị cho tôi ăn đấm. Nhưng khi thấy anh ta chụp ảnh mình, tôi đã hôn cô ấy thật lâu để anh ta tha hồ chụp…".

Hai con người vô danh bỗng chốc trở nên nổi tiếng và hơn thế nụ hôn của họ còn sống mãi vì một nỗi khao khát hòa bình. Sau phút ngẫu hứng lịch sử đó, họ chưa có cơ hội gặp lại nhau lần nào. Bởi đến năm 2007 ông Glenn Mc.Duffie mới được xác định là nhân vật thứ hai trong bức ảnh. Và bây giờ điều đó càng không thể vì bà E.Shain đã qua đời hôm 20-6 vừa qua tại Los Angeles, thọ 91 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nụ hôn bất tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.