(HNMCT) - Trưởng thành và gắn bó với sân khấu Thủ đô gần nửa thế kỷ trong cả vai trò nghệ sĩ và nhà quản lý, NSND Thúy Mùi có lẽ là người hiểu hơn ai hết về đóng góp cũng như nỗi vất vả mà các nữ nghệ sĩ đã phải trải qua khi nguyện gắn đời mình với nghệ thuật biểu diễn. Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, NSND Thúy Mùi đã chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần câu chuyện nghề và đời sống của những bóng hồng trên sàn diễn.
- Người ta vẫn nói phụ nữ là một nửa thế giới, còn trên sân khấu Thủ đô, một nửa ấy có ý nghĩa như thế nào, thưa chị?
- Dù ở thời điểm nào, các nữ nghệ sĩ cũng đều có đóng góp nổi bật cho văn học nghệ thuật Thủ đô nói chung và sân khấu nói riêng. Tên tuổi của họ gắn liền với những dấu mốc quan trọng của từng loại hình nghệ thuật. Trên sân khấu kịch nói, không thể không nhắc tới các nghệ sĩ như Lê Mai, Đức Lưu, Thanh Tú, Minh Hòa, Hoàng Cúc, Minh Vượng, Thu Hà, Thanh Hương... Sân khấu cải lương có nghệ sĩ Phương Khanh, Như Quỳnh, Thanh Vân, Thanh Hương, Hồng Nhung, Thục Vân... Sân khấu chèo có Thanh Trầm, Lâm Bằng, Mai Hương, Lan Anh, Thanh Tâm, Minh Toan, Minh Nguyệt, Ngọc Bích, Minh Nhan, Thu Huyền... Nhiều lắm, và khó có thể kể cho đủ. Họ đã để lại dấu ấn không thể nào phai trong lòng khán giả qua nhiều thời kỳ, với những vai diễn đã ghi vào lịch sử sân khấu Thủ đô.
- Mỗi giai đoạn phát triển sân khấu Thủ đô đều để lại những ấn tượng khác nhau với công chúng. Còn với những nữ nghệ sĩ, chị có cảm nhận được sự khác biệt về thế hệ qua cách làm nghệ thuật của họ?
- Chắc chắn có sự khác biệt bởi nghệ thuật không nằm ngoài sự vận động chung của đời sống, cũng gắn với những biến cố, thăng trầm mà Thủ đô và đất nước đã trải qua. Với những nữ nghệ sĩ trưởng thành trong chiến tranh, họ vừa là nghệ sĩ vừa là chiến sĩ, cũng chịu đủ mọi gian khổ, thiếu thốn, mất mát, hy sinh. Còn sau này, khi đất nước hòa bình, nghệ sĩ nói chung và nữ nghệ sĩ nói riêng có được môi trường thực sự để chuyên tâm hoạt động nghệ thuật.
Những năm 80 của thế kỷ trước là thời kỳ hoàng kim của sân khấu Thủ đô và đó cũng là lúc những nữ nghệ sĩ tỏa sáng thực sự. Hầu như đêm nào sân khấu cũng sáng đèn. Khán giả muốn mua vé phải xếp hàng. Họ chờ cả trước và sau buổi diễn để gặp và nói chuyện với diễn viên. Tôi còn nhớ khi đó lứa diễn viên trẻ mà được đi đâu với cô Thanh Trầm là hãnh diện lắm, vì gặp ai người ta cũng nhận ra, yêu quý cô vô cùng. Có lẽ chính vì môi trường ấy mà thế hệ nghệ sĩ khi đó khá thuần, họ hoạt động nghệ thuật tận tâm, không tính toán. Còn giai đoạn sau này, khi sân khấu Thủ đô chịu sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình giải trí khác, khán giả thờ ơ, thì đòi hỏi nghệ sĩ không chỉ có tài mà còn phải rất năng động, sáng tạo. Nhiều nữ nghệ sĩ không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đoàn, nhà hát mình, mà còn tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực khác như truyền hình, điện ảnh...
Và trên hết, dù ở giai đoạn nào, dù cuộc sống vất vả bao nhiêu thì tôi vẫn luôn thấy ở họ lòng say nghề hiếm có, quyết tâm rèn luyện làm sao cho đạt đủ 6 tiêu chí “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần”. “Thanh” là lời nói, ngôn ngữ, giọng ca. “Sắc” là diện mạo, hình dáng. “Thục” là kỹ năng biểu cảm. “Tinh” là thần thái. “Khí” là nội lực. “Thần” là đỉnh cao của diễn xuất. Đó là những yếu tố mà các nghệ sĩ chân chính đều muốn vươn tới.
- Trong thời phong kiến, những người theo nghề diễn xướng ít được coi trọng, thường bị xem là “xướng ca vô loài”. Những phụ nữ theo đuổi nghệ thuật biểu diễn cũng vì thế mà chịu rất nhiều thiệt thòi. Sau này, người nghệ sĩ được khán giả mến yêu, trọng vọng, được Nhà nước tôn vinh... Tuy nhiên, nhiều người vẫn thường khuyên con gái mình chớ theo nghiệp cầm ca bởi sợ sự đa đoan, vất vả. Chị nghĩ sao về quan điểm này?
- Xưa kia quan điểm “trọng nam khinh nữ” còn nặng nề, người phụ nữ chịu rất nhiều thiệt thòi; người phụ nữ có tài, có sắc thường bị đố kỵ nhiều hơn. Chính vì vậy, các gánh hát xưa kia thường là các gia đình. Người phụ nữ vừa tham gia diễn xướng vừa chăm lo cho chồng con. Họ có thể đi diễn nay đây mai đó nhiều tháng trời. Sau này, khi các đoàn văn công nhà nước được thành lập, các nữ nghệ sĩ được hưởng chế độ lao động, đãi ngộ như các nam đồng nghiệp.
Tuy nhiên về đời sống thì họ phải chịu thiệt thòi hơn nhiều bởi do đặc thù công việc, ngày tập đêm diễn, họ khó có đủ thời gian dành cho gia đình. Nếu họ không có được người bạn đời biết thông cảm, làm chỗ dựa vững chắc thì khó giữ gìn hạnh phúc gia đình. Còn bây giờ, xã hội phát triển, quan điểm cởi mở hơn, nam nữ bình quyền. Người phụ nữ được tham gia vào mọi công việc, vị trí trong xã hội, gần như không có giới hạn nào. Tôi nghĩ nếu có tài và biết phát huy tài năng thì đây là thời điểm để nghệ sĩ có thể tỏa sáng và được hưởng nhiều điều tốt đẹp từ thành quả lao động của mình.
- Quả đúng như vậy, nhưng như chị vừa trao đổi, sân khấu Thủ đô, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang đứng trước khó khăn rất lớn. Bên cạnh số ít người may mắn trở thành ngôi sao được công chúng yêu mến, có đời sống vật chất khá giả, thì phần đông vẫn gặp nhiều khó khăn.
- Hiện nay, những nghệ sĩ chọn gắn bó với sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống chủ yếu vì đam mê. Muốn để đời sống nghệ sĩ tốt lên thì không có cách nào khác là phải vực dậy sân khấu. Khán giả bị cuốn theo những loại hình giải trí khác nên họ “nguội lạnh” với sân khấu rồi. Vở diễn có hay, diễn viên diễn tài, mồ hôi công sức đổ ra nhưng không có ai xem thì cũng phải bỏ. Trước kia, một vở diễn có thể sống hàng năm, diễn viên vất vả nhưng bù lại họ được đón nhận, được động viên bằng những tràng vỗ tay. Cái đó cực kỳ quan trọng với người làm nghề. Ngay từ những ngày ở Nhà hát Chèo Hà Nội, chúng tôi luôn chú trọng đến việc thu hút khán giả, tuy nhiên, việc này phải làm thường xuyên, liên tục, có những đề án dài hơi, hiệu quả.
Bên cạnh đó, với nữ nghệ sĩ, cần có chính sách ưu tiên. Chị em gặp bất lợi nhiều hơn so với nam giới nhưng bù lại họ có sự uyển chuyển, mềm mại, chỉn chu trong công việc. Chính vì thế, theo tôi, khi có cơ hội cần phải ưu tiên nhiều hơn cho phụ nữ, kể cả trong việc cất nhắc, bổ nhiệm bởi hiện nay vai trò của người phụ nữ đã được khẳng định.
- Chân thành cảm ơn chị đã chia sẻ! Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, xin được chúc chị và các nữ nghệ sĩ dồi dào sức khỏe để cống hiến cho khán giả những tác phẩm thật xuất sắc!
NSND Thúy Mùi từng là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, rồi giữ vai trò Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật truyền thống sân khấu Việt Nam. Hiện nay, chị là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa IX. Năm 2015, NSND Thúy Mùi được thành phố Hà Nội tôn vinh, có mặt trong danh sách "10 công dân Thủ đô ưu tú" vì những đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.