(HNM) - Quan hệ Nga và Liên minh châu Âu (EU) lại tiếp tục gia tăng căng thẳng khi EU vừa áp đặt lệnh trừng phạt về vũ khí hóa học nhằm vào các quan chức tình báo quân sự Nga cùng hai công dân nước này.
Cụ thể, các bộ trưởng ngoại giao EU đã nhất trí về một lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với Alexander Petrov và Ruslan Boshirov, hai nhân vật bị Anh cáo buộc là hung thủ đầu độc hai cha con cựu gián điệp Nga Sergei Skripal tại Salisbury (Anh) hồi năm ngoái. London cũng cho rằng, hai người này làm việc cho Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU).
Ngoài ra, EU còn thông báo áp đặt trừng phạt đối với 5 người Syria và một cơ quan của nước này với cáo buộc sản xuất vũ khí hóa học.
Nhiều mặt hàng nông sản của EU chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm của Nga. |
Vụ cựu điệp viên S.Skripal bị đầu độc đã đẩy quan hệ giữa Nga và phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Dù chưa có kết luận điều tra, nhưng Anh cho rằng, chất độc được dùng trong vụ ám sát được sản xuất tại Nga và nước này đứng sau vụ việc. Căng thẳng liên quan đến sự vụ đã dẫn tới các quyết định trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây kèm theo các vụ trục xuất ngoại giao với quy mô lớn chưa từng có.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên EU trừng phạt những cá nhân liên quan tới phát triển và sử dụng vũ khí hóa học. Dù đã bị cấm cách đây hai thập kỷ theo một hiệp ước quốc tế, nhưng loại vũ khí nguy hiểm này gần đây được sử dụng khá thường xuyên. Do đó, EU tuyên bố quyết định của khối là nhằm củng cố nỗ lực chống lại việc phổ biến và sử dụng loại vũ khí đe dọa đến an ninh quốc tế.
Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới của EU sẽ giúp phát đi cảnh báo cứng rắn tới Nga và bất cứ đối tượng nào đang có ý định sử dụng vũ khí hóa học tại một quốc gia có chủ quyền trong thế kỷ XXI.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga đe dọa tiến hành các biện pháp trả đũa đối với "động thái không thân thiện này". Điện Kremlin tuyên bố, các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào hai công dân Nga là hành động tiêu cực và không mang lại lợi ích. Trên thực tế, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3-2014, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã lôi kéo các đồng minh phương Tây áp dụng nhiều lệnh cấm vận nhằm vào Mátxcơva, trong số này, phần lớn là những biện pháp gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi “đánh” vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác, gồm: Australia, Canada, Na Uy, Ukraine... đều tham gia vào “chiến dịch” trừng phạt Mátxcơva.
Đáp lại, Điện Kremlin cũng áp dụng một gói biện pháp đáp trả nhằm vào tất cả các quốc gia có quyết định chống lại nước này, tập trung vào các lệnh cấm nhập khẩu rau, quả, thịt, cá, hải sản. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn hại. Một số nước thành viên EU gần đây liên tục lên tiếng kêu gọi liên minh từ bỏ chính sách cô lập Nga, khôi phục lại quan hệ với xứ sở Bạch dương để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra. Tuy nhiên, cuộc chiến này vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc.
Quyết định mới nhất được đưa ra trong bối cảnh EU và Nga đang thúc đẩy một loạt các dự án hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Nga và một số nước châu Âu, điển hình là Đức đang thúc đẩy Dự án dòng chảy phương Bắc 2. Ngày 21-1, EU, Nga và Ukraine đã đàm phán hợp đồng mới để Mátxcơva tiếp tục xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.
Vì vậy, việc EU cứng rắn hơn với Nga sẽ là một thông điệp rõ ràng chuyển tới các đối tác rằng liên minh chính trị lớn nhất thế giới có thể hợp tác với Nga trong các dự án mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhưng cũng sẵn sàng duy trì sức ép với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin liên quan đến những vấn đề cốt lõi với khối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.